Giao thông ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội:

Mở thêm nhiều đường bay, nới vận tải khách liên tỉnh

Thứ Sáu, 24/04/2020, 09:31
Kể từ ngày 23/4, sau khi dịch COVID-19 đang có diễn biến tích cực, cả nước sang ngày thứ 7 không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, lệnh cách ly đã được dỡ bỏ, ngành giao thông cũng bắt đầu chuyển mình. Vận chuyển hành khách trên cả 3 lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt dần được nới lỏng hoạt động.


Phương tiện cá nhân gia tăng,  phương tiện công cộng vắng khách

Theo ghi nhận của phóng viên ngày đầu TP Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội sau hai đợt cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19, dù có mưa nhưng mật độ phương tiện giao thông tăng lên đáng kể khiến nhiều tuyến đường trọng điểm của Thủ đô ùn ứ. 

Trên đường Nguyễn Xiển, khu vực nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, tình trạng hơi ùn xuất hiện ngay đầu giờ sáng. Ngay kế bên, đường Nguyễn Trãi cũng đông đúc phương tiện lưu thông. Nhiều nút giao trên cung đường này, nhất là khu vực chuyển làn hướng lên cầu vượt Ngã Tư Sở và hướng ra đường Trường Chinh, người dân thường xuyên phải nối đuôi nhau đi với tốc độ chậm. Có thời điểm, cầu vượt Ngã Tư Sở gần như bị lấp kín bởi phương tiện.

Bến xe Giáp Bát ngày 23/4 mới chỉ có xe buýt hoạt động.

Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết: Trong ngày 23/4, do phương tiện công cộng bắt đầu được hoạt động trở lại nên lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh chóng. Ngay từ đầu giờ sáng, đội đèn đã phải chỉnh lại thời gian tín hiệu đèn giao thông để đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện an toàn và thông suốt, phù hợp với lưu lượng gia tăng trong ngày đầu dỡ bỏ lệnh cách ly. Việc ghi hình xử phạt nguội cũng đã được thực hiện nghiêm.

Ghi nhận thêm, phóng viên nhận thấy ngay khi được phép hoạt động trở lại, đoàn phương tiện của Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long Hà Nội cũng như các đơn vị khác của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã xuất phát từ sáng sớm để kịp thời ra tuyến phục vụ hành khách. Trong ngày đầu tiên, Transerco huy động 239 xe, thực hiện 2.270 lượt để phục vụ hành khách với tần suất 45 - 60 - 90 phút/lượt theo đúng yêu cầu của thành phố. 

Toàn bộ lái xe và nhân viên trên các tuyến buýt đều phải đeo khẩu trang, trên xe trang bị dung dịch sát khuẩn. Ghế ngồi được đánh dấu X để khách không ngồi hoặc dán giấy ghi rõ: “Vui lòng không ngồi ghế này” nhằm bảo đảm giãn cách. Tuy nhiên, do từ sớm ngày 23/4, trời liên tục mưa nên lượng khách trên các tuyến buýt khá vắng và đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang cũng như ngồi giãn cách trong suốt hành trình.

Tại bến xe phía Giáp Bát, tính đến 15h chiều 23/4, dù công tác chuẩn bị ở bến đã sẵn sàng nhưng vẫn chưa có xe nào xuất bến. Thi thoảng có một vài khách vào bến nhưng là để đi xe buýt chứ không phải đi xe khách liên tỉnh. Tại bến xe Mỹ Đình, tình hình có vẻ khả quan hơn khi có 2 xe chạy tuyến Hà Nội -Lào Cai hoạt động, song mỗi chuyến chỉ có 6-7 khách. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý bến xe Hà Nội cho biết, 5h sáng 23/4, đơn vị mới chính thức nhận được văn bản nới lỏng hoạt động vận tải từ phía Bộ GTVT. Có lẽ cũng hơi vội nên các nhà xe chưa kịp chuẩn bị. Dự kiến phải sang ngày 24/4 thì hoạt động ở bến xe mới trở lại bình thường. 

Vị này cũng thông tin, dù xe khách liên tỉnh đã được hoạt động trở lại song để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 cũng chỉ được phép chạy 30% so với ngày thường. Công ty quản lý bến xe sẽ điều tiết sao cho người dân đến bến có thể đi được đến các tỉnh, song lượng xe chạy bao nhiêu chuyến một ngày thì phải do doanh nghiệp tự cân đối và  quyết định. Doanh nghiệp nào chạy quá sẽ bị “tuýt còi”.

Hàng không được khai thác 20 chuyến khứ hồi/ngày

Theo thông tin từ Bộ GTVT, từ 00 giờ 00 phút ngày 23/4, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ được khai thác với tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi các địa phương khác, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đường bay TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/TP Hồ Chí Minh, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.

Về đường bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách nội tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Vận tải khách liên tỉnh hoạt động tối thiểu 30%, tối đa 50% công suất tùy địa phương. 

Với vận tải hành khách liên tỉnh, xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến); Xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải). 

Với đường sắt, tuyến Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh chỉ được khai thác tối đa 3 đôi tàu khách/ngày (3 chuyến Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và 3 chuyến ngược lại). Các tuyến đường sắt còn lại duy trì mỗi tuyến 1 đôi tàu khách/ngày (1 chuyến đi và 1 chuyến ngược lại). 

Trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định vận tải nội địa. Vận tải hành khách hàng hải, đường thuỷ liên tỉnh khai thác tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày. Bố trí khách ngồi cách nhau ít nhất 1 ghế, phải đeo khẩu trang

Các đơn vị vận tải phải trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải. Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện (không quá 50% số ghế và cách 1 ghế) hoặc đảm bảo cách nhau 1m. Tất cả người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi. 

Hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử (hoặc khai báo y tế giấy); Kiểm tra thân nhiệt; Sát khuẩn tay; Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; Không khạc nhổ bừa bãi. Bộ GTVT cũng khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện (mở cửa kính đối với taxi, xe khách...); Thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế. 

Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Để giúp các doanh nghiệp vượt khó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan tài chính địa phương theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phạm Huyền
.
.
.