“Bắt bệnh” tắc nghẽn nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Bảy, 20/08/2016, 06:43
Tình trạng quá tải trên vùng trời; áp lực quá tải hạ tầng kỹ thuật mặt đất; ngập nước trong phạm vi sân bay và kẹt xe ở các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã và đang tiếp tục gây ra trạng thái quá tải dây chuyền tại sân bay này. 


Kỳ 1: Trông người mà nghĩ đến ta

Để giảm tải cho TSN, các giải pháp đầu tư tốn kém hoặc mang tính cưỡng bức cũng đã được đưa ra xem xét, áp dụng. Song, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia hàng không, thì câu chuyện quá tải ở sân bay TSN vẫn có thể được khắc phục một cách nhanh nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội Hàng không của Hascon - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, hiện vẫn còn đến 29/100 sân bay lớn, đông khách vào bậc nhất thế giới chỉ nằm cách trung tâm các thành phố lớn từ 10km trở xuống.

Máy bay xếp hàng chờ đến giờ cất cánh tại Tân Sơn Nhất.

Nằm cách trung tâm các thành phố lớn từ 15km trở xuống có 46 sân bay và cách trung tâm khoảng 20km có 58 sân bay. Trong đó có những sân bay như Hartsfield Jackson của Mỹ từ lâu đã đạt trên 90 triệu lượt khách/năm; sân bay Schipol đạt trên 52 triệu khách chỉ nằm cách trung tâm Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) 9km. Còn sân bay Ninoy Aquino đạt 33 triệu khách nằm cách Thủ đô Manila của Philippines 7km…

Sân bay TSN nằm cách trung tâm thành phố 6km theo đường chim bay và trên 10km đường bộ nên cũng nằm trong số này. “Vì vậy nếu cho rằng sân bay lớn nằm gần trung tâm thành phố gây quá tải cho hạ tầng trong và ngoài sân bay là chưa có cơ sở vững chắc”, PGS.TS Tống nói.

Đánh giá về sân bay TSN, ThS Nguyễn Phụng Tâm, Kỹ sư trưởng Hãng hàng không Emirates, hoạt động tại sân bay Kennedy, New York - Mỹ, khẳng định: TSN có vị trí không phận và địa chính trị quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch cho TP Hồ Chí Minh và cả khu vực phía Nam.

TSN cũng cho hiệu quả và tiết kiệm nhất trong vận chuyển khách đường hàng không mà hiệu quả hoạt động chưa tương xứng của sân bay quốc tế Cần Thơ nằm trong cùng khu vực càng khẳng định điều này. Do vậy sẽ là sai lầm nếu nói rằng TSN quá gần trung tâm mà bỏ qua vị trí, vai trò của TSN và quên rằng nhiều sân bay quốc tế lớn khác cũng rất gần với trung tâm các thành phố.

Về khả năng chưa được khai thác của sân bay TSN, Kỹ sư hàng không Nguyễn Phụng Tâm cho rằng, các sân bay lớn trên thế giới không hẳn phải có nhiều đường băng. Ngay cả sân bay Kennedy, tuy có 4 đường băng thì 95% thời gian chỉ sử dụng 2 đường băng.

Sân bay Chek Lap Kok ở Hồng Kông sử dụng 2 đường băng đã cho công suất khai thác 60 triệu hành khách/năm và để tăng công suất lên 100 triệu hành khách/năm, họ mới có kế hoạch làm thêm đường băng thứ 3. Vì vậy với công suất 60 triệu hành khách/năm, việc khai thác 2 đường băng là phù hợp.

Mặt khác, các dòng máy bay hiện đại ngày nay đều có hệ thống hãm và giảm lực đẩy tốt khi hạ cánh, nên không cần phải có đường băng quá dài. Và với thời tiết thuận lợi quanh năm, mật độ các chuyến bay trên vùng trời phía Nam thưa, nên sẽ không cần mở thêm đường băng, mà chỉ cần tính toán khai thác 2 đường băng hiện có của sân bay TSN sao cho hiệu quả.   

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống so sánh, TSN có 2 đường băng song song với chiều dài trên 3.000m và nằm cách nhau đến 365m, đảm bảo cho các loại máy bay lớn như B747-400 và A340 - 600 cất hạ cánh. Song thực tế trong 3 năm gần đây, TSN cũng chỉ có thể phục vụ được hơn 438 ngàn lượt chuyến bay.

Ngược lại, sân bay quốc tế Mumbai ở Ấn Độ cũng chỉ có 2 đường băng ngắn hơn cả trăm mét đã được thiết kế cho công suất phục vụ 40 triệu lượt khách/năm. Gần hơn nữa là sân bay Soekarno - Hatta ở Jakarta, Indonesia, cũng chỉ với 2 đường cất hạ cánh dài 3.600m nhưng đã vượt qua con số phục vụ 370 ngàn chuyến bay mỗi năm với công suất vận chuyển đạt gần 60 triệu lượt khách. Sân bay Heathrow ở London, Anh cũng chỉ gồm 2 đường băng có chiều dài lần lượt là 3.660m và 3.900m, nhưng cũng đã có thể phục vụ 472 ngàn chuyến bay với lượng khách đạt 72 triệu/năm…

Kết quả so sánh về diện tích giữa sân bay TSN với các sân bay khác trong khu vực của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống còn cho thấy, sân bay Mumbai ở Ấn Độ chỉ rộng vẻn vẹn 610ha và được dự kiến tăng diện tích lên 800ha đã có thể phục vụ 40 triệu lượt khách/năm; sân bay Changi ở Singapore với diện tích 1.300ha đã có công suất thiết kế là 66 triệu hành khách/năm; sân bay Heathrow của Anh với diện tích 1.200 ha đã cho công suất khai thác hằng năm 72 triệu lượt khách.

Như vậy, nếu lấy mức bình quân từ 5 - 6,5 triệu hành khách/năm cho 100ha diện tích sân bay, thì với 850ha diện tích dành cho hoạt động bay dân dụng, nếu được khai thác hết, công suất của sân bay TSN có thể đạt 61-72 triệu hành khách/năm.

Muốn vậy phải tính đến các biện pháp như mở rộng sân đỗ, nhà ga phục vụ hành khách cùng một số giải pháp khác để giảm dồn ứ tàu bay trên bầu trời và dưới mặt đất, mở hướng cho phương tiện ra vào sân bay… cũng như phải tính toán đến việc khai thác diện tích hiện hữu của sân bay TSN một cách hợp lý.

Phản biện lại quan điểm cho rằng khoảng cách giữa 2 đường băng cất hạ cánh hỗn hợp của sân bay TSN không đạt tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học và công nghệ quản lý TP Hồ Chí Minh (Hacon) khẳng định, ICAO chỉ khuyến nghị chứ không đặt ra tiêu chuẩn bắt buộc.

Trên thế giới có nhiều sân bay quốc tế có công suất phục vụ vài chục triệu lượt khách/năm nhưng khoảng cách giữa 2 đường băng song song còn nhỏ hơn 300m. Với 2 đường băng hiện hữu của TSN, ICAO khuyến cáo năng lực có thể lên tới 285.000 lần cất hạ cánh mỗi năm. Thực tế lúc cao điểm sân bay TSN đã có thể tiếp nhận đến hơn 34 chuyến/giờ, tức cứ xấp xỉ 2 phút có 1 chuyến cất hoặc hạ cánh.

Do vậy chỉ cần tính với năng lực cất hạ cánh trung bình là 29 chuyến bay đi, bay đến mỗi giờ, một năm sẽ có 254.040 chuyến bay cất và hạ cánh tại TSN. Bình quân mỗi chuyến bay chở 220 khách, sân bay TSN sẽ phục vụ 56 triệu hành khách/năm.

Đức Thắng
.
.
.