Cần nhiều giải pháp cấp bách trong việc chống ùn tắc

Thứ Tư, 18/11/2015, 09:35
Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt khi thời tiết không thuận lợi.


Đánh giá từ Bộ GTVT mới đây cho thấy, tình hình ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011 - 2015 đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, Hà Nội chỉ còn 46 điểm ùn tắc, giảm 32 điểm so với năm 2011. TP Hồ Chí Minh còn 18 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng, giảm 13 điểm so với năm 2011. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt khi thời tiết không thuận lợi.

Ùn tắc có nguy cơ gia tăng vào mùa mưa bão

Chỉ rõ những bất cập này, Bộ GTVT cho rằng, công tác lập, phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết các quận, huyện còn chậm, ảnh hưởng đến việc xúc tiến và thực hiện đầu tư vào các dự án phát triển đô thị, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mật độ hoạt động đô thị của khu trung tâm hai thành phố. Công tác quy hoạch, vận hành khai thác hệ thống thoát nước còn bất cập, gây ngập úng cục bộ, dẫn tới giảm năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông, trong khi nhu cầu đi lại ngày một tăng, đặc biệt là xu hướng sử dụng xe ôtô.

Sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều bị ùn tắc.

Công tác tổ chức giao thông còn bất cập, công tác cung cấp thông tin và hướng dẫn đi lại đến người dân còn hạn chế, dẫn tới những trường hợp ách tắc giao thông trong thời gian dài, với tần suất ngày càng tăng, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Tại các dự án phát triển giao thông đô thị, công tác giải phóng mặt bằng còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thành của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, liên quan đến khả năng phân luồng từ xa, giảm lưu lượng thông qua đô thị, cũng như các dự án đầu tư phát triển đường sắt đô thị.

Công tác thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, còn bộc lộ nhiều mâu thuẫn, như nhiều dự án phát triển đô thị không thực hiện đánh giá tác động giao thông, gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông kết nối, tạo ra những điểm ùn tắc giao thông mới và tiềm ẩn trong tương lai; còn buông lỏng quản lý, dẫn đến việc không đảm bảo diện tích đỗ xe tại nhiều khu nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị và xe buýt nhanh (BRT) còn chậm so với quy hoạch được duyệt, cũng như so với tốc độ đô thị hoá tại cả hai thành phố, dẫn đến việc đi lại của người dân còn chủ yếu dựa vào phương tiện cá nhân. Việc tổ chức giao thông còn chưa thực sự được đưa vào các quy hoạch, kế hoạch trung và dài hạn của thành phố, mà mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện các dự án, các đợt cao điểm rời rạc, thiếu tính đồng bộ và liên tục. Một số giải pháp tổ chức giao thông còn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa phù hợp với điều kiện phát triển đô thị của khu vực, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác tổ chức giao thông, nhưng đã tiến hành triển khai đồng loạt...

Giải pháp cấp bách: Cải thiện hệ thống thoát nước

Trong thời gian gần đây, ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng trở lại. Để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại hai thành phố, theo Bộ GTVT, cần thực hiện hàng loạt giải pháp cấp bách. Cụ thể, nhanh chóng cải thiện hệ thống thoát nước tại hai thành phố.

Tắc đường là nỗi ám ảnh đối với người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Điều chỉnh các phương án thi công xây dựng công trình giao thông, nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của quá trình thi công xây dựng đến hoạt động giao thông vận tải. Tổ chức giao thông hợp lý với các giải pháp tối ưu hóa đèn tín hiệu; phân làn, phân luồng phù hợp với cơ cấu phương tiện giao thông trên đường, áp dụng chính sách đỗ xe ôtô hợp lý; có phương án tổ chức giao thông chi tiết cho các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao; tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp quản lý sử dụng phương tiện vận tải cá nhân, đặc biệt là ôtô tại các khu vực thường xuyên bị tắc nghẽn.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội vào giờ cao điểm; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dẫn tới ùn tắc giao thông; kết hợp giữa xử lý vi phạm và công tác giáo dục, tuyên truyền. Ưu tiên bố trí kinh phí cho các chương trình chống ùn tắc giao thông trên địa bàn hai thành phố. Rà soát chương trình thay đổi giờ làm việc và có thay đổi mạnh mẽ hơn.

Về lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; chỉ cho phép xây dựng các khu chung cư cao tầng, hoặc các cơ sở dịch vụ, nếu đảm bảo được diện tích đỗ xe môtô, xe gắn máy, ôtô theo quy định; mở rộng các quốc lộ hướng tâm, các đường cao tốc, các đường vành đai, các trục đô thị chính, các nút giao thông, đường sắt đô thị. Đẩy nhanh tiến độ di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện và trung tâm hành chính ra khỏi khu vực nội thành.

Tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh; kiên quyết xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện, điểm đỗ phương tiện không đúng quy định; triển khai việc xây dựng các nhà để xe, bãi đỗ xe giải quyết nhu cầu đỗ xe của nhân dân. Xây dựng hệ thống cầu vượt thép, hầm cho người đi bộ, thiết kế lại giao thông hợp lý tại các điểm có cầu vượt, hoặc hầm cho người đi bộ, nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc. Quy hoạch lại các bến xe, điều chỉnh và phân bố luồng, tuyến cho hợp lý, xóa bỏ các bến cóc, xe dù nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Hiện đại hóa trung tâm điều hành giao thông tại 2 thành phố, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh ITS trong điều hành và quản lý giao thông…

Phạm Huyền
.
.
.