Nhiều giải pháp đồng bộ giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:33
Giao thông Hà Nội đang ở thời điểm diễn biến phức tạp. Dù lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) liên tục được bố trí trên các cung đường thì tình trạng ùn ứ ở nhiều nơi vẫn diễn ra, nhất là vào dịp cuối năm, hay những hôm trời mưa lớn. Liệu những giải pháp mạnh để cải thiện giao thông trong thời gian tới?

Để làm rõ vấn đề, phóng viên báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội.

PV: Hà Nội thời gian này liên tục trải qua những trận mưa lớn. Sau đó, nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ùn tắc. Không ít người dân tỏ ra “ngán ngẩm” với giao thông Hà Nội. Là người lãnh đạo lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông của thành phố, ông có suy nghĩ gì?

Đại tá Đào Vịnh Thắng.

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Trước tiên, tôi cũng xin khẳng định, lực lượng CSGT đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực rất nhiều để giúp người dân có thể lưu thông thông thoáng trên tất cả các cung đường. Thế nhưng, có những nguyên nhân khách quan mang lại, khiến lực lượng CSGT rơi vào thế bị động. 

Cụ thể như, trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình đang thi công với 43 điểm rào chắn. Phần lớn công trình thi công kéo dài, thu hẹp mặt đường, tạo ra các nút, gây nguy cơ ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm. Bình thường, không rào chắn thì các tuyến đường ra vào thành phố và trên các tuyến đường trọng điểm như Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Pháp Vân, Nguyễn Văn Cừ, QL1A, 1B, Tam Trinh, Trường Chinh… đã quá tải từ 6-10%. Bây giờ, thêm rào chắn trên một số tuyến trọng điểm thì đương nhiên càng quá tải, dẫn đến ùn ứ. 

Chưa dừng lại ở việc rào chắn, tiến độ triển khai các dự án đều chậm, kéo dài, thành thử nhiều trục đường vừa thi công, vừa sử dụng, vừa khai thác nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Một vấn đề nữa là hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, người hướng dẫn giao thông 24/24h tại các điểm thi công này là không có. Về nguyên tắc là đơn vị thi công phải bố trí người hướng dẫn. Còn lực lượng CSGT chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể làm thay 24/24h được vì còn phải tuần tra kiểm soát giao thông.

PV: Nguyên nhân khách quan thì đã rõ. Thế nhưng, trên một số trục đường chính như Vành đai 3, Vành đai 2… nhiều khi ùn ứ, người dân có cảm giác “vắng bóng” CSGT. Vậy có phải do lực lượng mỏng hay thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Không thể nói là CSGT thiếu kinh nghiệm vì hằng ngày các đội đều  bố trí lực lượng theo 3 ca, 6h-12h, 14h-18h, 18h-22h. Mỗi ca từ 4-6 đồng chí. Ngoài ra, các chốt giờ cao điểm nếu thấy có nguy cơ ùn tắc thì chỉ huy phòng đều được bố trí thêm cán bộ. Bên cạnh đó, còn một tổ tuần tra lưu động gồm 2-4 người. Như vậy, trên trục đường trọng điểm, nếu tính cả ngày sẽ  có từ 15-20 đồng chí CSGT tham gia điều tiết giao thông và xử lý vi phạm. 

Nhìn ở khía cạnh khác, một đồng chí CSGT đứng điều tiết giao thông tại một vị trí nhưng cùng lúc có hàng nghìn phương tiện lưu thông. Mà ý thức người dân thì không ai giống ai nên nếu nhắc nhở thì chỉ nhắc được 1-2 người, chứ không thể cùng lúc nhắc hàng nghìn người. Thêm nữa, rõ ràng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được, lưu lượng đang quá tải do dân số tăng, nhà chung cư phát triển, rào chắn không hoàn trả mặt bằng… dẫn đến áp lực  lớn. 

Tắc đường là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Hà Nội (trong ảnh là cảnh ùn tắc thường xảy ra tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển). Ảnh: Xuân Trường.

Hằng tháng Phòng CSGT đăng ký  mới trên 4.000 xe ôtô, xe môtô là khoảng 15.000 chiếc/tháng. Hệ thống cấp thoát nước thì còn bất cập, chỉ cần mưa 1-2 tiếng là có thể ngập đường từ 33-40 điểm. Người dân khi lưu thông trời mưa nếu biết đường ngập, đương nhiên họ sẽ tránh và đi sang đường khác, dẫn đến ùn tắc. 

Sự phối hợp giữa Công an các quận, huyện, thanh tra giao thông… chưa nhịp nhàng, nên nếu chỉ coi việc điều tiết giao thông là của lực lượng CSGT thì tôi phải nói rằng, một mình CSGT không đủ lực để làm việc đó. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 1.000 giao cắt, với 14 tuyến trục chính ra vào, với 800 tuyến phố (trước kia chỉ có 300 tuyến phố). 

Biên chế CSGT hiện là 1.200 người, trong đó có khoảng 700 làm nhiệm vụ ngoài đường, còn lại là lực lượng làm công việc hành chính và công nghệ thông tin, một số bộ phận như điều tra giải quyết tai nạn, tuyên truyền, chính trị, hậu cần… Với hơn 700 người, ngày nào anh em cũng mang sức ra vận lộn với khoa học công nghệ, với sự phát triển của phương tiện, hết sức vất vả.

PV: Xin Đại tá cho biết, từ nay đến cuối năm, Phòng CSGT dự định sẽ áp dụng những biện pháp gì để cải thiện tình hình giao thông của Thủ đô?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Tới đây, vào giờ cao điểm sáng, chiều chúng tôi  sẽ  huy động 100% quân số túc trực trên các cung đường. Đồng thời, sẽ nghiên cứu điều chỉnh lại chu kỳ đèn để phục vụ phù hợp hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuần tra lưu động để phát hiện điểm có nguy cơ ùn tắc, sớm bố trí lực lượng đứng ra hướng dẫn, điều tiết giao thông. Bên cạnh đó, muốn cải thiện tình trạng ùn tắc thì các công trình giao thông cũng nên đẩy nhanh tiến độ vì còn công trình rào chắn lấn chiếm phần đường thì ùn tắc là điều khó tránh. 

Mặt khác, Công an các quận, huyện cũng nên đảm nhiệm nút giao cắt đường huyện với quốc lộ thuộc địa bàn của mình, phải có người hướng dẫn thì mới đỡ ùn ứ. Và khi mưa, người dân lưu thông trên đường nên tuân thủ tuyệt đối hiệu lệnh của lực lượng điều tiết giao thông, không nên tự ý leo lên vỉa hè, lề đường mà đi. Bên cạnh đó, Phòng CSGT tiếp tục đề xuất với Sở GTVT kiểm tra các điểm rào chắn mà chưa thi công thì yêu cầu dỡ rào, trả lại mặt đường thông thoáng cho người dân lưu thông. Những đơn vị không đảm bảo thiết bị an toàn, hay không có người hướng dẫn giao thông 24/24h thì Sở GTVT đề nghị Ủy ban kiểm tra và xử lý nghiêm.

Ngày 9/10, UBND TP Hà Nội đã gửi Văn bản số 6947/VP –XDGT đến Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, UBND quận Cầu Giấy với nội dung giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, thống nhất phương án tổ chức giao thông hợp lý để giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy. 

Thanh tra Giao thông vận tải bố trí lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Kiên quyết đình chỉ đối với các đơn vị thi công, nhà thầu thi công không đúng với giấy phép, không tuân thủ theo các quy định về đảm bảo trật tự ATGT, không thực hiện đúng phương án tổ chức thi công được duyệt.

Đến ngày 10/10, các hàng rào chắn tại các điểm chưa thi công vẫn chưa được tháo dỡ. Tình trạng ùn tắc vẫn xuất hiện, các phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn.

Xuân Bùi

Phạm Huyền (Thực hiện)
.
.
.