Bộ GTVT trả lời về vấn đề thu phí, ùn tắc

Thứ Ba, 13/10/2015, 19:56
Chiều 13/10, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo quý III năm 2015. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề “nóng” đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi.


Xung quanh vấn đề trạm thu phí  Pháp Vân- Cầu Giẽ sửa chữa mà thu phí cao như làm đường mới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lý giải: Có hai loại phí đường bộ là thu phí trên hệ thống đường cao tốc từ 1000-1500đ/km và phí trên tuyến đường BOT không phải cao tốc. 

Đường Pháp - Vân Cầu Giẽ trước đây là đường bình thường, nay nâng cấp thành đường cao tốc, thì được phép thu phí như đường cao tốc. Còn việc thu phí thu trên tuyến BOT mà không phải đường cao tốc tại thời điểm hiện nay, Bộ tài chính phê duyệt giá như nhau. Xe con mức thu từ 25.000- 35.000 tùy từng vị trí cụ thể.

Còn trạm nào hiện nay quá thấp, sẽ điều chỉnh mặt bằng chung, tránh tình trạng xe thấy thấp chạy vào, nhà đầu tư vừa không thu hồi được vốn, vừa tăng lượng xe. Nên nhiều trạm đang thấp sẽ phải nâng lên. 

Giờ sau 1,5 năm thi công, tuyến đường nâng cấp Pháp Vân-Cầu Giẽ  giai đoạn 1 đã hoàn thành. Do đó, từ tháng 10, đơn vị đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn hai là mở rộng thêm hai làn xe. Vì là đầu tư bao nhiêu, sẽ thu phí bấy nhiêu, bởi vậy, kết thúc giai đoạn 1, đơn vị đầu tư được phép thu phí với mức phí như các dự án đường cao tốc khác. Và dự kiến mức thu này được áp dụng trong khoảng 17 năm và 7 tháng.  

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết thêm: Việc phản ánh khu vực Hà Nội có nhiều trạm thu phí BOT là không đúng. Bởi thực tế, hiện nay chỉ có trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài; Pháp Vân - Cầu Giẽ là nằm trong địa phận Hà Nội, sau này dự kiến sẽ có thêm trạm trên vành đai 4 nối cao tốc QL5 và QL1.

  •  Sẽ dừng hẳn thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe máy  

 Về vấn đề dừng thu phí xe máy, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin: Nghị định 18 trước đây có đưa ra thu phí đối với xe máy. Khi đặt vấn đề này, Bộ GTVT  đã xin ý kiến rộng rãi của các tỉnh, trong đó có quy định toàn bộ số tiền thu được sẽ để lại cho địa phương sửa chữa đường. 

Xuất phát của việc thu, không phải là do hỏng đường mà thực chất là góp một phần nhỏ bé của người dân vào công cuộc nâng cấp đường. Vì sao sau một thời gian thực hiện lại bỏ đi? Vì lúc đó cả nước có 30 triệu xe máy, giờ 45 triệu. Bình quân 70.000/xe, nếu thu thì được gần 3.000 tỷ. Nếu con số này thu đúng, thu đủ thì góp phần to lớn vào việc duy tu đường địa phương. Thế nhưng, khi thu mới nảy sinh vấn đề là chưa có chế tài phạt người nộp và người không nộp, hay có trường hợp “bố mua xe ở Vinh cho con ra Hà Nội đi” thì thu thế nào, nên người đóng cũng như người chưa đóng như nhau. Do đó, người dân nhìn nhau, không đóng. Vì sự  thiếu công bằng này mà vừa rồi Bộ GTVT đã trình chính phủ tạm dừng, nhưng hướng tới sẽ dừng hẳn, không thu nữa.

Cục phó Cục Đăng kiểm thừa nhận có việc “thuê” thùng xe đi kiểm định

Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Trí- Cục Đăng kiểm thừa nhận: “ở Hưng Yên, Vĩnh Yên… có hiện tượng thuê thùng xe đi đăng kiểm”. Vị này cũng đưa ra giải pháp trong thời gian tới: Đối với phương tiện mới, đề xuất có ghi số thùng để dễ kiểm soát. Cụ thể, trong hồ sơ đăng kiểm sẽ ghi kích thước thùng hàng, chụp ảnh phương tiện.

Nhiều tuyến đường sẽ cơ bản hết ùn tắc vào cuối năm?!

Vừa qua, Hà Nội phần luồng rất mạnh, nhưng thói quen người dân không đi nên mới dẫn tới ùn tắc. “Chúng tôi cũng khẳng định, đối với đường Cát Linh Hà Đông hết năm nay sẽ cơ bản hết tắc vì sẽ thông hầm, đồng thời các vị trí thi công khi xong sẽ dỡ bỏ rào chắn”.

Đối với tuyến Nhổn, ga Hà Nội, tắc chủ yếu từ đại học Quốc gia về Cầu Giấy. Hà Nối sẽ xén vỉa hè để mở rộng đường, đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công thu gọn hàng rào và thi công 24/24h để nhanh chóng hoàn thành.

Thanh Huyền
.
.
.