Trách nhiệm bồi thường trong vụ cháy chung cư Carina?

Thứ Tư, 28/03/2018, 09:34
Khi xảy ra vụ cháy, về nguyên tắc cư dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về tài sản bị thiệt hại. Ngoài ra, cư dân còn có quyền đòi bồi thường về sức khỏe, tinh thần, trách nhiệm cấp dưỡng nếu có thiệt hại về người, chi phí mai táng…

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Công ty Luật TaPha, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, vụ cháy chung cư Carina vào rạng sáng 23-3-2018 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Khi xảy ra vụ cháy, về nguyên tắc cư dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về tài sản bị thiệt hại. Ngoài ra, cư dân còn có quyền đòi bồi thường về sức khỏe, tinh thần, trách nhiệm cấp dưỡng nếu có thiệt hại về người, chi phí mai táng…

Theo luật sư Võ Đan Mạch, trong vụ việc này, cần xem xét các góc độ như sau:

- Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do cố ý của cá nhân hay nguyên nhân cháy là khách quan (chập điện, đốt nhang…) và các nguyên nhân khác mà không phải do cố tình gây ra thì xem xét đến trách nhiệm của nhiều bên, đặc biệt là Ban quản trị tòa nhà trong việc bố trí, giám sát quá trình vận hành chung cư.

Vụ cháy chung cư Carina đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: CTV.

- Một trong những lí do dẫn đến hậu quả thảm khốc trong vụ cháy là hệ thống báo cháy không hoạt động, không có chuông báo cháy, không có đèn báo sự cố, không có hệ thống vòi phun nước tự động; hệ thống chữa cháy tại chỗ không có tác dụng, các cửa ngăn khói không phát huy tác dụng bị chèn gạch, không đóng ngăn các tầng dẫn đến khói độc và hơi nóng bốc lên đến tầng 14 của chung cư. Nếu nguyên nhân gây cháy là hành vi vi phạm pháp luật thì phải xác định được ai là người có lỗi. Người này sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại và bị xử lý hình sự.

Như vậy, loại trừ khả năng có ai đó cố ý gây ra vụ cháy thì trách nhiệm đứng đầu thuộc về chủ đầu tư, ban quản trị và cơ quan phòng cháy chữa cháy chịu trách nhiệm chính trong vụ hỏa hoạn này.

Khi xác định rõ nguyên nhân, cơ quan Công an sẽ khởi tố vụ án và truy tố xét xử các cá nhân, tổ chức có liên quan. Từ đó sẽ có qui định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của cá nhân đơn vị vi phạm.

Cần chú ý, về trách nhiệm dân sự theo qui định pháp luật thì còn có sự tham gia của đơn vị bảo hiểm. Hiện chúng ta chưa thể xác định được là Ban quản trị có mua bảo hiểm cho cư dân hay không nhưng có thể khẳng định chung cư này đã đi vào vận hành một thời gian khá dài thì theo qui định pháp luật là đủ điều kiện để đơn vị bảo hiểm bán bảo hiểm cháy nổ cho chung cư này. Vì theo Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22-5-2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Trường hợp xác định được người là chủ sở hữu cơ sở hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý hoặc người đại diện chung (sau đây gọi chung là người đại diện) thì người đó chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trong trường hợp này, người được bảo hiểm là từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trường hợp không xác định được người đại diện thì từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ sở đó có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy tắc, phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành…

Như vậy, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ đối với nhà chung cư là bắt buộc đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Trong vụ hỏa hoạn này, chủ đầu tư hoặc Ban quản trị là đầu mối đứng ra mua bảo hiểm cháy nổ cho cư dân. Do đó khi xảy ra hỏa hoạn, trách nhiệm bồi thường đầu tiên cho cư dân là chủ đầu tư và Ban quản trị. Sau đó, hai đơn vị này sẽ yêu cầu công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường lại cho mình.

Công ty bảo hiểm là bên chi trả thiệt hại mà không cần chứng minh lỗi. Sau đó, công ty bảo hiểm sẽ phải tìm ra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng xác định người có lỗi để yêu cầu người đó bồi thường lại số tiền mà công ty đã chi trả.

Chung cư Carina có Ban quản trị, do đó ban này sẽ đứng ra mua bảo hiểm cho các hộ dân và người dân có nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm cho ban. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân sẽ được bảo hiểm chi trả trừ một số trường hợp loại trừ trách nhiệm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm các bên ký kết như do tác nhân con người gây ra.

Trường hợp cư dân đã đóng tiền mua bảo hiểm nhưng Ban quản trị không mua hoặc chưa mua thì họ có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các chủ hộ. Đối với những cá nhân, chủ hộ trong chung cư mà không mua bảo hiểm thì sẽ không được bồi thường. Đây là bảo hiểm bắt buộc, do đó trách nhiệm bảo hiểm không chỉ được áp dụng với tài sản là căn hộ mà cả thiệt hại về người và các tài sản khác tại chung cư.

Tuy nhiên, Thông tư 214/2013 của Bộ Tài chính quy định về mức phí tham gia bảo hiểm cháy nổ đối với mỗi căn hộ là khác nhau, dựa theo tỷ lệ diện tích. Do đó, việc chi trả bảo hiểm sẽ được thực hiện theo tỷ lệ mức phí mà người dân tham gia bảo hiểm đã đóng. Đối với các tài sản gắn liền với căn hộ thì mức chi trả cũng sẽ được tính theo tỷ lệ này.

Đối với những thiệt hại nằm ngoài phạm vi bảo hiểm thì người dân có thể yêu cầu người có lỗi bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường là thiệt hại thực tế và cư dân phải có nghĩa vụ chứng minh. Khi xác định được thiệt hại, các bên có thể thương lượng. Nếu không được thì yêu cầu định giá.

Nhưng khó khăn lớn nhất khi yêu cầu người có lỗi bồi thường chính là thiện chí và khả năng tài chính. Điều này sẽ gây mất nhiều thời gian và cần phải có sự phối hợp của các bên và sự can thiệp của chính quyền địa phương, tránh gây ra xung đột.

Nhanh chóng khắc phục sự cố sau vụ cháy ở chung cư Carina

Để đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn, ngày 27-3 TP Hồ Chí Minh đã giao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp với Cảnh sát PCCC tiến hành lắp đặt mới trụ nước chữa cháy theo quy hoạch đến năm 2025. Sawaco có trách nhiệm điều phối mạng lưới cấp nước để tăng áp lực nước tại các địa điểm, khu vực khi có yêu cầu của Cảnh sát PCCC.

Sở Xây dựng phối hợp với Cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý kịp thời việc thi công các công trình cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị gây ảnh hưởng đến hoạt động của trụ nước chữa cháy. Các quận huyện phải tăng cường kiểm tra tình trạng hoạt động của trụ nước chữa cháy, sửa chữa trụ bị hư hỏng; quản lý chặt chẽ để các công trình xây dựng, các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phải đồng bộ với việc cải tạo hệ thống cấp nước chữa cháy, không để việc thi công ảnh hưởng đến trụ nước chữa cháy.

Liên quan đến vụ cháy chung cư Carina, để nhanh chóng khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công an thành phố khẩn trương hoàn tất việc điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Trước mắt, Chủ tịch quận 8 phải phối hợp với các sở, ngành bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng vụ cháy, hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp tử vong và bị thương. Cùng với việc tập trung cứu chữa người bị thương, thành phố yêu cầu các sở, ngành đảm bảo vệ sinh phòng dịch, an toàn công trình, căn hộ chung cư, điện, nước sinh hoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do vụ cháy gây ra.

Đ.Thắng

A.Huy
.
.
.