Iran đang bước đầu thành công ở châu Âu?

Thứ Tư, 27/01/2016, 22:52
Ngay tại chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm lịch sử tới châu Âu của một nhà lãnh đạo Iran trong 16 năm qua, Iran và Italy đã ký kết các hợp đồng trị giá lên tới 17 tỉ euros (khoảng 18,4 tỉ USD) liên quan tới nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, thép và đóng tầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Financial Times, đó “chỉ là điểm khởi đầu” và Tehran đang thực sự biến thành một “ngưỡng cửa vàng” đối với Lục địa già.

Phát biểu trước 500 lãnh đạo doanh nghiệp Italy hôm 26-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, thị trường nước này có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài và trấn an giới đầu tư rằng, Iran là quốc gia an toàn và ổn định nhất tại Trung Đông.

Nhấn mạnh Chính phủ Iran sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, Tổng thống Rouhani kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế tới hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng bị cấm vận, đồng thời cam kết sẽ tạo môi trường kinh doanh ổn định cho họ.

Nhà lãnh đạo Iran nêu rõ, sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế, Iran rất muốn thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay và các hạ tầng khác. Ngoài hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Rouhani và Thủ tướng Italy Matteo Renzi còn nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Về phía Italy, Thủ tướng Renzi cho biết, những thỏa thuận thương mại này là “bước khởi đầu” của một chặng đường dài trong hợp tác thương mại giữa 2 nước. Còn nhiều lĩnh vực mà Iran và Italy phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Thủ tướng Italy hy vọng và chắc rằng, chuyến thăm này là một nền tảng để 2 nước có thể vượt qua những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố, sự tàn bạo và cái ác, những điều mà tất cả chúng ta đều phản đối.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Italy Sergio Mattarella tại buổi hội đàm hôm 25-1. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, cùng ngày, Giám đốc quản lý Công ty Xuất khẩu khí đốt quốc gia Iran Alireza Kameli đã công bố kế hoạch bắt đầu giao những lô hàng khí đốt của Iran cho châu Âu trong vòng 2 năm tới. 

Ông Kameli cho hay, Iran đang tìm kiếm khả năng để “tái gia nhập câu lạc bộ các nhà cung cấp khí hóa lỏng quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh rằng, Tehran cũng đang đàm phán với các công ty châu Âu, trong đó có Công ty Sản xuất và Vận chuyển khí đốt Golar LNG của Norway, về việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này, một dự án “sẽ cần ít nhất 2 năm” để hoàn thành. 

Bên cạnh đó, Iran cũng đang tìm cách xuất khẩu khí đốt sang các nước láng giềng như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và cũng có khả năng là sang cả Saudi Arabia, bất chấp những căng thẳng ngoại giao đang diễn ra giữa 2 nước. Ông Kameli nhấn mạnh: “Saudi Arabia là một khách hàng tiềm năng, và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp cận Iran”.

Đến thời điểm này, có thể nói, “Ngày thực hiện” thỏa thuận hạt nhân là “bước ngoặt” đối với nền kinh tế Iran, giống như lời Tổng thống Rouhani từng tuyên bố. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo. Giới lãnh đạo ở Tehran cho hay, Iran đang cần khoản đầu tư 185 tỉ USD cho lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, khoảng 70 tỉ USD cho lĩnh vực hóa dầu và 200 tỉ USD nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Theo kế hoạch được Bộ Dầu mỏ Iran thông báo vài tháng trước, Tehran sẽ tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và con số này có thể lên tới 1 triệu cho tới cuối năm. Tuy nhiên, sự trở lại của “người khổng lồ dầu mỏ” không được như mong đợi giữa lúc thị trường đang ngập lụt nguồn cung và giá dầu đã sụt xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đối thủ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Saudi Arabia, vẫn nhất quyết không chịu cắt giảm sản lượng nhằm duy trì thị phần, khiến giá dầu mất hơn 75% trong hơn 1 năm qua. Thêm nữa, khó khăn kinh tế toàn cầu cũng có thể ngăn cản nỗ lực của Iran thu hút hàng chục tỉ USD đầu tư nước ngoài để vực dậy ngành sản xuất “vàng đen” vốn đã lạc hậu. Khó khăn tiếp nối khó khăn. Căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Nếu căng thẳng này không được hóa giải và có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư sẽ không muốn mạo hiểm khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Iran. Bên cạnh đó, có nhiều lo ngại rằng, số tiền 100 tỉ USD vừa được giải phóng vào “Ngày thực hiện” vẫn là tương đối khiêm tốn khi hầu hết số tiền này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như thanh toán nợ xấu, bảo vệ đồng rial và phát triển cơ sở hạ tầng mới có giá trị hàng tỉ USD.

Sau Italy, ngày 27-1, Tổng thống Rouhani đã tới Pháp để gặp Tổng thống Francois Hollande và các quan chức cấp cao của Pháp. Giới quan sát nhận định, Tổng thống Iran đi châu Âu lần này mang một sứ mệnh rất quan trọng. Đó là không chỉ giúp mở rộng cánh cửa cho sự hợp tác kinh tế mà còn có thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến chính trị.

Khổng Hà
.
.
.