Tương lai nào cho Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử?

Thứ Tư, 20/01/2016, 11:36
Tehran tuyên bố chỉ cần một vài tuần để có thể xuất khẩu tới 500.000 thùng/ngày và con số này cho tới cuối năm nay sẽ là 1 triệu. Việc Iran tăng sản lượng cũng được cho là sẽ khiến giá dầu thế giới giảm sâu hơn.


Việc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran theo thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7-2014 đã mở ra cánh cửa cho Tehran sau nhiều năm bị cô lập về mặt kinh tế, tái hội nhập với những tiềm năng hấp dẫn các đối tác từng đối đầu về chính trị và quân sự. Không ai có thể nghi ngờ những lợi ích mà Iran sẽ nhận được sau khi những lệnh trừng phạt đó được dỡ bỏ.

Trở lại thị trường

Liều thuốc kích thích lớn đầu tiên dành cho nước Cộng hòa Hồi giáo sau khi những lệnh trừng phạt được dỡ bỏ là việc khoản tiền khoảng 100 tỷ USD của Iran đang bị đóng băng ở các tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới, trong đó có 50 tỷ USD tại các ngân hàng ở Mỹ, sẽ được giải phóng và các rào cản thương mại quốc tế cũng được loại bỏ bớt. 

Mặc dù vào thời điểm hiện tại, các công ty Mỹ vẫn chưa được phép tự do thương mại trực tiếp với Iran, nhưng họ có thể làm việc đó thông qua các văn phòng của họ tại nước ngoài. Các nhà sản xuất Iran sẽ xuất khẩu sang Mỹ các loại thảm và thực phẩm, như trứng cá muối hay quả hồ trăn (hạt dẻ cười).

Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế cũng đánh dấu sự hồi sinh của “người khổng lồ dầu lửa” Iran. Sở hữu tới 9% trữ lượng dầu thế giới, sự trở lại của Iran đã tăng thêm áp lực lên thị trường dầu, hiện đã giảm sâu xuống mức dưới 30USD/thùng kể từ tháng 2-2004.

Tehran tuyên bố chỉ cần một vài tuần để có thể xuất khẩu tới 500.000 thùng/ngày và con số này cho tới cuối năm nay sẽ là 1 triệu. Việc Iran tăng sản lượng cũng được cho là sẽ khiến giá dầu thế giới giảm sâu hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã khẳng định, nước này sẽ từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Bên cạnh dầu mỏ, trữ lượng khí đốt tự nhiên của Iran cũng vào hàng lớn nhất thế giới. Chính vì thế mà Tập đoàn Năng lượng Eni của Italy đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) với Iran từ tháng 11 năm ngoái. Các tập đoàn dầu khí lớn khác như Shell, Total, Staoil và Lukoil đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) bày tỏ vui mừng khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran được dỡ bỏ. 

Ngoài ra, hồi tháng 9-2015, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết, quốc gia Nam Á này sẵn sàng đầu tư hơn 15 tỷ USD vào các dự án phát triển tại Iran nếu Tehran đưa ra các điều kiện tốt hơn như giảm giá khí đốt xuất sang nước này.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là dự án cảng Chabahar, cảng có vị trí chiến lược nằm ở Đông Nam Iran, nhằm cạnh tranh với đối thủ Pakistan, quốc gia sở hữu cảng biển Gwadar, được coi là điểm trung chuyển hàng hóa của Ấn Độ sang các nước khác.

Theo giới phân tích, Iran có rất nhiều tiềm năng kinh tế khác chứ không chỉ có dầu lửa. Với 80 triệu dân trong đó có khoảng 60% dưới độ tuổi 30 và có trình độ học vấn khá cao, tầng lớp trung lưu ở Iran được cho là sẽ cởi mở hơn với các mặt hàng của phương Tây. 

Quan trọng hơn, việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ đã giúp các công ty của Iran mở rộng cánh cửa cho những nhà đầu tư nước ngoài và thị trường thế giới cũng sẽ chào đón những nhà đầu tư từ Iran. Một số hợp đồng với nước ngoài đã được ký sẵn để có thể triển khai trong thời gian tới.

Chỉ vài giờ sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Bộ trưởng Giao thông Iran Abbas Ahmad Akhoundi tuyên bố nước này đã đạt thỏa thuận mua 114 máy bay chở khách mới của Tập đoàn Airbus (Pháp). Việc bàn giao những chiếc máy bay mới này cho Hãng Hàng không Iran (Iran Air) sẽ được tiến hành theo 3 hoặc 4 lô, bắt đầu từ tháng 3 và hoàn thành vào cuối tháng 6-2016. Iran cũng có kế hoạch mua thêm 400 chiếc máy bay chở khách khác trong thập kỷ tiếp theo.

Tập đoàn Dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk – NONOF cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy ở Iran vào tháng 9 tới. Ngoài ra, Tập đoàn Siemens của Đức đã ký một MoU với đối tác Iran trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đường sắt. Trong khi đó, đầu tháng này, một phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Đan Mạch cũng đã tới Tehran và Tập đoàn đóng tàu khổng lồ của Đan Mạch Maersk cho biết, họ đã tiếp xúc với các quan chức Iran để thúc đẩy hợp tác.

Vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc

Chỉ một ngày sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chống lại Iran được dỡ bỏ, Mỹ đã thông báo áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với các công ty và cá nhân liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran hồi tháng 10-2015.

Bộ Tài chính Mỹ đã liệt 11 cá nhân và tổ chức vào danh sách đen chịu trừng phạt vì đã hỗ trợ Iran thực hiện chương trình trên. Theo đó, Mỹ “cấm cửa” các định chế tài chính và doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các cá nhân và tổ chức này. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận Washington vẫn còn những bất đồng sâu sắc với Tehran và thỏa thuận hạt nhân không thể giải quyết mọi mâu thuẫn. Liên quan tới lệnh trừng phạt mới, ông chủ Nhà Trắng cho biết nước Mỹ “vẫn cảnh giác về điều này và sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ an ninh của Mỹ và các nước đồng minh”.

Về phía Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran là bất hợp pháp, do các thương vụ bán vũ khí của Washington ở Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaberi Ansari nêu rõ: “Mỹ bán vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD/năm cho các quốc gia Trung Đông. Số vũ khí đó đang được sử dụng và gây ra tội ác chiến tranh chống lại người Palestine, Liban và gần đây chủ yếu là nhằm vào dân thường Yemen”.

Ông Ansari đồng thời khẳng định: “Chương trình tên lửa của Iran chưa bao giờ được thiết kế để có thể mang theo các vũ khí hạt nhân”. Trước đó, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: “Bất kể lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ bị đáp trả một cách thích đáng”. Iran có quyền phát triển tên lửa đạn đạo không mang đầu đạn hạt nhân để phòng ngự, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ là vi phạm những gì Mỹ đã ký kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Khổng Hà
.
.
.