Thời của lệnh trừng phạt Iran đã hết

Chủ Nhật, 17/01/2016, 07:08
Cuộc gặp tại Vienna (Áo) giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 16-1 sẽ mở đường cho việc xóa bỏ những lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran kéo dài hàng thập kỷ qua.


Chiều 16-1 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã trình bày bản báo cáo quan trọng về hồ sơ hạt nhân của Iran, một việc được coi là dọn đường cho các dỡ bỏ lệnh trừng phạt hà khắc đối với nước này. 

Trong bản báo cáo của mình, IAEA đã xác nhận việc Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7 năm ngoái như cắt giảm 2/3 số lượng máy ly tâm làm giàu uranium, loại bỏ các lõi của lò phản ứng nước nặng Arak cũng như chuyển phần lớn số lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp ra khỏi nước này…

Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp cơ sở cho việc thực thi Kế hoạch hành động chung toàn diện giữa Iran và nhóm P5+1. Nguồn tin từ hãng AP cho hay, để đưa ra một bản báo cáo đầy đủ, công tâm về chương trình hạt nhân của Iran, các chuyên gia IAEA đã mất 12 tháng nghiên cứu, xem xét cụ thể từng vấn đề một. Họ cũng đã đi thực tế, thăm nhiều cơ sở hạt nhân của Iran.

Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cũng đã tới thủ đô Tehran để hội đàm với các quan chức cấp cao của nước này nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại và những vấn đề phát sinh. 

Thậm chí, các chuyên gia của IAEA còn xem xét cả những hồ sơ về chương trình hạt nhân của Iran trước năm 2003. Thời điểm đó, mặc dù Iran luôn khẳng định không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân song Mỹ và phương Tây vẫn không tin và cho rằng Tehran đang giấu những thông tin quan trọng…

Nhưng nay, khi được hỏi về báo cáo của IAEA, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest khẳng định rằng, Iran đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong nỗ lực thực hiện các cam kết của mình và rằng Washington tin tưởng vào báo cáo của IAEA.

Thủ đô Tehran của Iran. Ảnh: Alamy.

Nhận xét về báo cáo của IAEA, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng, việc phản ánh đúng thực tế sẽ giúp thiết lập một cơ chế tốt cho hoạt động thực thi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, Ngoại trưởng John Kerry đã tới thủ đô Vienna của Áo để hội đàm với Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cùng người đồng cấp Iran để hội đàm về hồ sơ hạt nhân của Tehran.

Trước đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Đại học Quốc phòng Mỹ, ông John Kerry đã nhấn mạnh: “Ngày thực thi thỏa thuận hạt nhân, ngày mà Iran chứng minh rằng nước này đã thu hẹp thích đáng chương trình hạt nhân và có thể bắt đầu được dỡ bỏ những trừng phạt sẽ diễn ra rất sớm, có thể trong vài ngày tới”. 

Ông John Kerry cũng khẳng định, việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, điều ông mô tả là kế hoạch phong tỏa mọi con đường tiềm tàng mà Iran có thể tiến đến sở hữu vũ khí hạt nhân, là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm qua. Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố, Washington sẽ dựa vào các chuyên gia quốc tế để đảm bảo Tehran tôn trọng các cam kết của mình.

Mang tinh thần cởi mở hơn so với Mỹ, EU hôm 14-1 đã thông báo gia hạn thêm 2 tuần đối với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran. Thông cáo cũng nhấn mạnh ngay khi IAEA khẳng định Iran đã thực hiện các biện pháp hạt nhân như trong thỏa thuận, Hội đồng châu Âu sẽ triển khai ngay việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Được biết, từ tháng 1 năm 2014, EU đã ngừng một số biện pháp trừng phạt Iran với lý do là quốc gia này có thiện chí trong các cuộc đàm phán cuối cùng.

Hồi đầu tháng 1, khi trả lời phỏng vấn báo giới, nhiều quan chức ngoại giao EU cũng bày tỏ quan điểm rằng, lệnh trừng phạt Iran có thể được dỡ bỏ hoàn toàn trong năm 2016. Thêm vào đó, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, nhiều quốc gia thuộc EU trong đó có Đức cũng đã tích cực ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ kinh tế với Tehran, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.

Gia Nam
.
.
.