Vương quốc Anh, bây giờ âu lo mới thực sự hiện hình

Thứ Bảy, 25/06/2016, 16:37
Quá nhiều diễn biến dồn dập đã xảy ra khiến không ít người Anh ủng hộ chuyện rời EU phải bất ngờ. Với họ, ở lại EU là nỗi âu lo mơ hồ nhưng khi rời EU, âu lo mới thực sự hiện hình.

Ngay sau khi kết qủa của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh kết thúc, với 51,9% ý kiến đồng ý để Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit), xu hướng tìm kiếm trên google của người Anh lập tức chỉ xoay quanh Liên minh châu Âu. Và 5 chuỗi từ khoá được kiếm tìm hàng đầu bởi người Anh lần lượt là: 1) Ý nghĩa của việc rời EU là gì?; 2) EU là gì?; 3) Những nước nào nằm trong EU?; 4) Điều gì sẽ xảy ra lúc này nếu chúng ta rời EU? Và 5) Có bao nhiêu quốc gia nằm trong EU?.

Có lẽ, không ít người ngạc nhiên với những câu hỏi kể trên. Với việc Anh tham gia EU hơn 40 năm qua (mà tiền thân là EEC), chúng ta thật khó hiểu vì sao lại có những người Anh vẫn còn đặt ra những câu hỏi như vậy về EU và tương quan giữa Anh với EU. Ngạc nhiên hơn nữa, hồi 1975 đã từng có một cuộc trưng cầu dân ý tương tự về chuyện Anh có nên ở lại EEC hay không với kết quả 67.23% người dân Anh biểu quyết là Có.

Và trong 5 câu hỏi mà người Anh đua nhau đặt ra khi gõ trên google kia, câu hỏi số 4 đang cho thấy những đáp án vô cùng phức tạp mà từ những đáp án ấy, nỗi lo của nước Anh bây giờ mới thực sự hiện hình.

Tỷ giá đồng bảng Anh sụt giảm nghiêm trọng sau kết quả trưng cầu.

Đầu tiên, đúng vào ngày công bố kết quả trưng cầu, chỉ số thị trường chứng khoán Anh (FTSE 100) đã rớt tới 8,7% và đồng bảng Anh tụt giá ở mức thấp kỷ lục trong vòng 31 năm qua. Ngoài ra, những dự báo còn cho thấy có thể sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng giá trên thị trường Anh mà cụ thể nhất là thị trường bất động sản, với nguy cơ giá nhà sụt giảm nghiêm trọng.

Nhưng những tác động về tài chính và kinh tế ấy chỉ là cú hắt hơi nhẹ không hơn không kém. Điạ chấn thực sự vẫn nằm ở phía trước, khi phân tích kỹ lưỡng các chỉ số trưng cầu ở các khu vực trong Vương quốc Anh mà hai khu vực đáng quan tâm nhất chính là Scotland và Bắc Ailen.

Các nghị sỹ Anh tham gia trưng cầu.

Tại Bắc Ailen, số người ủng hộ ở lại với EU chiếm 55,8% còn ở Scotland, số người ủng hộ ở lại với EU đạt mức cao hơn, chiếm tới 62%. Với tỷ lệ dân số ủng hộ ở lại EU lớn như vậy, kết quả tổng thể trên toàn Vương quốc Anh có thể gây một phản ứng phụ đầy tiêu cực đối với cư dân Scotland và Bắc Ailen mà nguy hiểm nhất chính là phong trào đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Chúng ta chắc còn nhớ đêm 21-9-2013, tại Edinburg đã có một cuộc tuần hành lớn kêu gọi phong trào độc lập cho Scotland. Phong trào ấy đã dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9-2014 và trong cuộc trưng cầu đó, may mắn cho Vương quốc Anh là có đến 55,3% không đồng ý Scotland thành một quốc gia độc lập. Song, tình hình có thể sẽ thay đổi khi người Scotland thất vọng với việc họ bị “lôi” ra khỏi EU một cách không mong muốn như hôm nay.

Bà Nicola Sturgeon (đầm xanh).

Trên báo chí Anh quốc và Scotland, thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, cho biết khả năng khởi động lại một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Scotland hiện nay là rất cao. Và một khi 62% cư dân Scotland mong muốn ở lại với EU bỏ phiếu thuận, rất có thể một quốc gia độc lập mới sẽ ra đời và hoàn toàn không còn phụ thuộc chính trị nào với Vương quốc Anh nữa.

Đây mới chính là cú đấm thực sự vào thực trạng nước Anh hiện nay, và cú đấm ấy đặc biệt hiểm hóc đúng vào lúc ông David Cameron từ chức. Tiến trình trưng cầu để quyết định Vương quốc Anh có còn trong EU hay không thoạt tiên nghe rất dân chủ nhưng với tuyên bố của bà Nicola Sturgeon thì chúng ta sẽ thấy đó là thứ dân chủ phi lý. “Việc chúng tôi phải rời khỏi EU khi đa số dân chúng Scotland (62%) bỏ phiếu để ở lại là một tiến trình phi dân chủ căn bản nhất”. Như vậy, Scoland đang sử dụng chính lá bài dân chủ để chống lại những gì đang được coi là dân chủ ở Anh.

Ông David Cameron đọc tuyên bố từ chức.

Khá nhiều người bất ngờ khi ông David Cameron từ chức, bởi ông từng tuyên bố “Có Brexit tôi cũng không từ chức”. Song, ở tuyên bố từ chức của mình hôm qua, thủ tướng Anh đã nói “Tôi sẽ gắng hết sức khi còn ở tại vị để chèo lái con tàu trong những tuần trước mắt. Song tôi không tin rằng mình đúng là người thuyền trưởng đưa nước Anh tới bến bờ kế tiếp”.

Gánh nặng sẽ dồn lên người kế tục ông, khả năng lớn là thủ lĩnh mới của đảng Bảo thủ, cựu thị trưởng London, Boris Johnson, người ủng hộ Brexit. Và khó khăn mang tên Scoexit (Scotland tách khỏi Vương quốc Anh) có thể sẽ bắt Boris Johnson trả giá bằng chính sự nghiệp chính trị đầy tham vọng của mình.

Trong khi đó, đang tồn tại một làn sóng người Anh đi đổi tiền vì đồng bảng Anh mất giá. Đồng bạc yêu thích được tích trữ là Euro. Bảng Anh đã tụt giá tới 5% so với Euro chỉ trong 1 ngày. Với những người Anh ủng hộ Brexit, ở lại EU chỉ là nỗi âu lo mơ hồ. Còn bây giờ, với cả nước Anh, âu lo đã thực sự hiện hình.  

Hà Quang Minh
.
.
.