Nước Anh: Brexit hay Bremain và điệu vũ của ông Cameron

Thứ Năm, 23/06/2016, 16:15
Hôm nay, người Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất của mình, cuộc trưng cầu quyết định việc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại (Bremain) hay rời bỏ (Brexit) Liên minh châu Âu. Và đó cũng là lúc điệu vũ của ông David Cameron bắt đầu...


Hôm nay, người Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất của mình, cuộc trưng cầu quyết định việc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại (Bremain) hay rời bỏ (Brexit) Liên minh châu Âu. 

Cuộc trưng cầu sẽ bắt đầu từ 13h ngày 23-6 (giờ Hà Nội) và kết thúc vào lúc 3h sáng ngày 24-6 (giờ Hà Nội). Theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích, những người ủng hộ rời bỏ (Brexit) nhiều khả năng chiến thắng bởi theo các cuộc thăm dò từ 2010 tới nay, tỷ lệ những người ủng hộ ở lại với EU (tức Bremain) chưa bao giờ vượt qua ý kiến đối lập. 

Ông David Cameron đã từng tận dụng khéo léo câu chuyện Brexit ấy để đắc cử thủ tướng Anh nhiệm kỳ đầu tiên.

Và nếu kết quả có lợi cho phía Brexit, dẫn tới sức ép buộc chính phủ của ông David Cameron phải đi đến quyết định đàm phán cuối cùng với EU theo chiều hướng Vương quốc Anh rời bỏ liên minh này, chắc chắn đó sẽ là một thay đổi cực lớn và có ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình kinh tế chính trị đảo quốc sương mù này trong nhiều năm tới.

Có khá nhiều người cho rằng nguyên nhân chính yếu để đa số người dân Anh muốn rời khỏi EU đến từ nỗi sợ hãi của họ đối với vấn nạn khủng bố hiện thời. Việc là một thành viên của EU khiến Vương quốc Anh phải có những nới lỏng nhất định các rào cản đối với người nhập cư từ EU và điều đó làm dấy lên nỗi quan ngại về việc các tổ chức khủng bố có thể tiến hành ngay trong lòng các thành phố lớn của Vương quốc Anh cái gọi là “chiến tranh đô thị”, thứ mà chúng đã thực hiện ở Pháp, Bỉ, TBN cũng như đã và đang đe doạ cả Đức. 

Nỗi sợ hãi ấy đã tạo nên hai thái cực phản ứng rất rõ rệt trong lòng người dân Anh quốc. Thứ nhất, họ chống lại những người nhập cư một cách cực hữu, mà điển hình là phong trào EDL (English Defence League), một phong trào bài Hồi giáo một cách mãnh liệt, thậm chí còn bị liệt vào một dạng phát xít mới. Thứ hai, họ né tránh những nguy cơ có thể xảy ra bằng cách vận động rút khỏi EU, điều đồng nghĩa với việc các cánh cổng của nước Anh sẽ đóng sập lại với lực lượng di cư từ EU, như một cách co mình phòng ngự đầy thụ động.

“Nụ hôn chống lại thù ghét”. Đó là nội dung kêu gọi của hai người trẻ Đức ủng hộ Anh ở lại với EU. Ảnh chụp trước Cổng Brandenburg, thủ đô Berlin ngày 19-6 - Ảnh: Reuters

Song, thực chất có phải là chỉ có nỗi sợ trước chủ nghĩa khủng bố mới khiến người Anh chán nản với EU đến thế, dù cho chính Anh quốc đã từng nộp đơn xin gia nhập (từ thời EEC) đến 3 lần mới được chấp nhận (2 lần bị phủ quyết bởi tổng thống Pháp Charles de Gaulle vào năm 1963 và 1967)? Dường như không phải là như vậy. Nguyên nhân chính đến từ chính sự phân hoá mạnh mẽ trong xã hội Anh, một xã hội được coi là phồn thịnh nhất châu Âu hiện nay.

Thực tế, phong trào Brexit đã manh nha từ khoảng gần chục năm trước và đỉnh điểm của nó đã từng tạo nên làn sóng tranh luận hồi 2011-2013. Khi ấy, trong một cuộc thăm dò dư luận, tờ The Times đưa ra kết quả số người ủng hộ Brexit lên tới 52% trong khi số người ủng hộ Bremain chỉ đạt ngưỡng cao nhất là 30%.  Và đâu là lý do dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa tỷ lệ người ủng hộ Brexit và những người cương quyết Bremain? Câu trả lời thực ra rất đơn giản.

Trong một bài bình luận sắc sảo của mình cho tờ The Times gần đây, nhà phân tích chính trị Daniel Finkelstein đã bóng bẩy gọi tình trạng phân cực của nước Anh ở vấn đề EU này là “có hai quốc gia tồn tại trong một vương quốc”. Theo đó, ông gọi những người muốn rời bỏ EU là “thần dân của quốc gia Leavia (chơi chữ Leave – rời bỏ)” và những người muốn ở lại là “công dân của quốc gia Remainia (cũng chơi chữ Remain – còn ở lại)”. 

Hôm nay người Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất của mình, cuộc trưng cầu quyết định việc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại (Bremain) hay rời bỏ (Brexit) Liên minh châu Âu.

Sự đấu tranh giữa thần dân của hai “quốc gia” ấy đến từ căn nguyên phân hóa giàu nghèo mà cơ bản nhất, những người ủng hộ Anh ở lại với EU đều là thuộc tầng lớp cư dân thành thị, có học vấn, thu nhập tốt và không e sợ những tác động chính trị, kinh tế quốc tế lên bản thân mình và đang hưởng lợi từ làn sóng toàn cầu hóa. 

Trong khi đó, những người ủng hộ Anh rời EU là những người không có bằng cấp, sống ở nông thôn là chủ yếu, thu nhập rất bấp bênh và sẵn sàng đón nhận thay đổi bất kể giá nào. Họ không quan tâm đến các con số hay những vấn đề vĩ mô.

Điều họ quan tâm chỉ là đời sống của họ đang bị ảnh hưởng bởi những san sẻ mà các qũy an sinh xã hội phải gánh thêm cho những người nhập cư. Phản ứng này của người dân Anh trái ngược hẳn với phản ứng của người dân Pháp. Ở Pháp, phản ứng lại với người nhập cư chủ yếu lại là dân nhà giàu, dân thành thị trung lưu, tức những người đóng thuế thu nhập cao. Bởi vậy, người giàu ở Pháp chọn cách di cư sang sinh sống ở các quốc gia khác, nơi họ không phải đóng thuế nhiều để nuôi những người nhập cư. Và một phần không nhỏ giới nhà giàu Pháp đã chọn London, cũng như họ đã chọn New York, Moscow hay Tokyo, Hong Kong…

Chính vì sự đông đảo có được từ tầng lớp bình dân, cần lao mà phong trào Brexit mới lớn mạnh như thế và trở nên một mối quan tâm rất lớn của cả châu Âu hôm nay. Trước ngày trưng cầu dân ý của Anh, nhiều công dân EU đã thực hiện chiến dịch “nụ hôn xuyên Âu” để bày tỏ với các công dân Anh rằng EU luôn muốn nước Anh ở lại. Điều đó cho thấy EU cần Vương quốc Anh thế nào. Song, không hẳn là ở lại với EU, Anh quốc không có lợi và việc rời khỏi EU sẽ chỉ mang lại lợi ích cho nước Anh.

Nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Vương quốc Anh hiện nay đến từ chính EU và EU cũng là một thị trường lớn mạnh, quan trọng nhất trên thế giới hiện nay mà trong đó, Vương quốc Anh vẫn thu được rất nhiều lợi ích từ thị trường ấy. Nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng, nếu Anh rời khỏi EU, ước tính họ sẽ mất tới 56 tỷ bảng Anh mỗi năm từ việc sụt giảm các nguồn thu xuất khẩu. Thêm vào đó, nếu rời EU, trong điều kiện tốt nhất, kinh tế Anh chỉ có thể tăng trưởng tối đa 1,6% mỗi năm từ nay tới 2030 và có khả năng sụt giảm tối đa 2,2% mỗi năm nếu điều kiện khó khăn nhất. Như vậy, so sánh giữa cơ và nguy của việc Anh rời EU, rõ ràng nguy nhiều hơn cơ và biên độ rủi ro là quá lớn.

Và đó chính là lý do vì sao giới chính trị gia Anh quốc ủng hộ đến mức thiết tha việc sẽ ở lại với EU, như cách mà ông David Cameron đã thể hiện trong cuộc đàm phán 2 ngày ở Brussels với các nhà lãnh đạo EU rằng “sẽ vận động bằng cả trái tim và tâm hồn để ở lại”. Nhưng cũng chính sự ủng hộ ấy đã tạo nên một vài hỗn loạn trong lòng xã hội Anh mà đỉnh điểm là vụ ám sát bà nghị sỹ Jo Cox. Bà Jo Cox bị ám sát và đã qua đời khi đang vận động bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU. 

Kẻ sát hại bà, Thomas Mair, thậm chí đã hô to “nước Anh là trên hết” đến hai lần. Thomas Mair sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Birstall, chưa một lần có một công việc ổn định trọn đời và đó chính là điển hình của tầng lớp thu nhập thấp, ít học vấn và luôn cảm thấy cơ hội của mình đã bị chính những người nhập cư tước đoạt.

Vậy thì kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh (mà rất có thể sẽ dẫn tới thắng lợi cho phong trào Brexit) sẽ dẫn đến một cục diện như thế nào? Nhiều khả năng sẽ không dẫn tới việc Anh rời khỏi EU như những người cần lao của Vương quốc Anh mong muốn. Kết quả ấy, giống như thăm dò hồi 2011, sẽ chỉ là điểm tựa để David Cameron lấy thêm các phiếu bầu. 

David Cameron đã từng tận dụng khéo léo câu chuyện Brexit ấy để đắc cử thủ tướng Anh nhiệm kỳ đầu tiên và bây giờ, ông lại sử dụng câu chuyện nóng hổi ấy để lấy lòng cử tri trong chương vận động tái đắc cử của mình. Ông sẽ nhân danh yêu sách của người Anh và đặt lên bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo EU một số yêu cầu thay đổi để Anh có thể ở lại EU mà cụ thể sẽ là 4 điểm. 

Thứ nhất, cắt giảm lợi ích cho người nhập cư từ EU. Thứ hai, sửa đổi các hiệp ước để quyền miễn trừ của Anh lớn hơn trong việc xây dựng một liên minh chặt chẽ. Thứ ba, khẩn cấp chấm dứt các quyền lợi của lao động nhập cư từ EU ít nhất trong vài năm (có thể là 5-7 năm). Và cuối cùng, Anh phải được quyền tự chủ hơn nữa, nhất là việc ban hành các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trung tâm tài chính quốc tế London.

Nói chung, câu chuyện Brexit được đẩy lên đến cao trào cũng y như một bản nhạc luôn phải có cao trào của nó. Và trên nền nhạc ấy, ông David Cameron đang là một vũ công tuyệt vời với điệu vũ biến ảo của mình. Còn kỷ nguyên Anh nằm trong EU thì sẽ khó có thể chấm dứt lúc này bởi nếu điều đó xảy ra, chính ông Cameron sẽ là người gánh chịu mọi trách nhiệm lớn nhất trong tương lai.

Hà Quang Minh
.
.
.