Brexit – câu chuyện chưa có hồi kết

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:02
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa (ngày 23-6) sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về vấn đề đi hay ở của Anh tại Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo đây sẽ là sự kiện làm rung chuyển toàn châu lục, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung của các nước trong EU để đảm bảo tính gắn kết của khối, không để những nỗ lực hội nhập thành công nhiều thập kỷ qua kết thúc trong sự tan rã.

Phát biểu hôm 15-6 tại cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault ở Berlin, Ngoại trưởng Steinmeier nhấn mạnh, việc Anh lựa chọn phương án “ra đi” sẽ không chỉ là việc EU mất đi một thành viên mà là mối đe dọa thực sự cho những gì mà EU dày công gây dựng từ nhiều thập kỷ qua.

Theo Ngoại trưởng Đức, người dân Anh đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn song Đức, Pháp và cả EU đều mong muốn rằng cử tri Anh đưa ra một quyết định đúng và sáng suốt vào ngày 23-6 tới. Đó là “ở lại” mái nhà chung châu Âu.

Bên cạnh đó, ông Steinmeier khẳng định, Đức và Pháp đóng vai trò đặc biệt vì là những quốc gia trụ cột, cùng với Hà Lan, Bỉ, Luxemburg và Italia, thành lập Cộng đồng châu Âu hai nước sẽ tiếp tục hợp tác nhằm đảm bảo sự phát triển và thành công của EU ngay cả khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi liên minh này, hay còn gọi là Brexit.

Còn Ngoại trưởng Ayrault thì cam kết sẽ cung cấp cho châu Âu một “động lực mới”, cố gắng đảm bảo sự “tồn tại” và thành công cho EU ngay cả khi nước Anh quyết định ra đi. Có lẽ điều mà các nhà lãnh đạo EU lo ngại hơn hẳn khi xảy ra kịch bản Brexit chính là sự tác động của nó tới nền kinh tế Anh và EU. Theo tính toán của Chính phủ Anh, nếu Brexit xảy ra, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có nguy cơ tổn thất khoảng 100 tỷ bảng Anh (145 tỷ USD) trong năm 2020 và tới năm 2030 sẽ sụt giảm từ 3,8% - 7,5%.

Viện Kinh tế IFO của Đức thậm chí tính toán GDP của Anh đến năm 2030 giảm tới 14%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo mức sụt giảm là 7,7%. Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu Open Europe của Anh lại cho rằng sự biến động GDP của Anh khi Brexit xảy ra chỉ khoảng từ -2,2% đến 1,6%. Sự khác biệt trong đánh giá giữa các đơn vị nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ việc xem xét mức độ tiếp cận khác nhau của Anh với thị trường EU.

Kịch bản Brexit sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho EU.

Bên cạnh GDP, Bộ Tài chính Anh dự báo, Brexit sẽ lập tức làm cho đồng bảng Anh mất giá 12%, tác động tiêu cực đẩy giá thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí du lịch ở châu Âu. Thị trường lao động Anh cũng sẽ mất khoảng 950.000 việc làm, đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên tới 3% trong năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế Đức, Brexit sẽ khiến Anh mất đi hiệp định thương mại tự do với EU cũng như khả năng (chỉ ở mức khả năng) mất đi sự tiếp cận trực tiếp và tự do đối với thị trường EU, thị trường quan trọng nhất của Anh.

Trên thực tế, nếu xảy ra Brexit, Anh vẫn có thể liên kết với EU theo một trong bốn mô hình: mô hình quan hệ kinh tế EU – Norway, mô hình thỏa thuận song phương EU - Thụy Sỹ, mô hình hiệp định thương mại tự do mở rộng và đa tầng như Hiệp định tự do thương mại (FTA) EU – Canada hoặc mô hình giữa EU với một nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông thường. Các chuyên gia đánh giá, nhiều khả năng London sẽ ủng hộ và lựa chọn mô hình quan hệ kinh tế EU – Norway và EU cũng sẽ ủng hộ khả năng này.

Theo đó, xứ sở sương mù sẽ phải mặc nhiên chấp nhận tuân theo một số quy định của EU hay phải chấp nhận sự tự do lưu chuyển lao động. Tuy nhiên, về mặt chính trị, dù theo mô hình hợp tác kinh tế nào, Anh và EU vẫn có thể hợp tác với chính sách an ninh và đối ngoại, nội vụ và tư pháp.

Cùng với đó, cả Anh và EU sẽ cần tới một sự kiên nhẫn chiến lược. Hai bên sẽ cố gắng tìm kiếm một cơ chế hợp tác mới vì cả hai đều hiểu sự quan trọng trong việc tiếp cận tự do các thị trường của nhau. Đức và Pháp đã tính tới “kế hoạch B” trong trường hợp Brexit, cụ thể là việc thiết lập một mô hình hợp tác mới nào với Anh khi nước này rời khỏi EU.

Mô hình hợp tác mới này phải đảm bảo duy trì các lợi ích kinh tế của EU, trong khi hạn chế bớt các quyền lợi của Anh, như một cách để “trừng phạt” vì rời khỏi EU. Theo đó, để tiếp cận được thị trường EU một cách đầy đủ, nếu rời khỏi EU, Anh sẽ vẫn chấp nhận đầy đủ các quy định thị trường của liên minh này và nguyên tắc tự do luân chuyển lao động.

Càng gần đến ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, tỷ lệ ủng hộ “ở lại” ngày càng thấp dần, và chỉ cách biệt rất sít sao so với xu hướng muốn “ra đi”. Theo kết quả thăm dò do hãng YouGov thực hiện và công bố hôm 13-6, Brexit hiện đang dành được 46% tỷ lệ ủng hộ, dẫn trước 7 điểm so với chiến dịch vận động giữ Anh ở lại với 39% số phiếu, cao hơn hẳn so với lợi thế 1 điểm được công bố trong kết quả thăm dò cũng của hãng này cách đây đúng một tuần.

Cũng theo YouGov, 11% người được thăm dò chưa đưa ra quyết định cuối cùng và 4% cho biết sẽ không tham gia bỏ phiếu. Các kết quả thăm dò dư luận của các hãng khác như ORB, ICM... công bố cùng ngày cũng đều cho thấy tỷ lệ người Anh muốn quốc gia này rời EU đang dẫn trước.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 26-3 tới sẽ liên quan tới hàng loạt vấn đề trong dài hạn như chính trị, kinh tế, quốc phòng, nhập cư và ngoại giao không chỉ của riêng Anh mà còn nhiều quốc gia và khu vực khác.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.