“Brexit” sẽ có hại cho bóng đá Anh?

Thứ Sáu, 24/06/2016, 17:24
Cuộc trưng cầu ý dân về việc Vương quốc Anh (gồm 4 quốc gia: Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland) có nên tiếp tục làm thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay không đã có kết quả chính thức. Và đây không phải một kết quả làm những người yêu bóng đá Anh vui vẻ...


Cụ thể, với đã có hơn 17,4 triệu lá phiếu lựa chọn “Rời khỏi Liên minh châu Âu”, tương đương với 51,9% tổng số phiếu bầu. Như vậy đa số đã lựa chọn rời khỏi EU. Kết quả này được gọi tên là “Brexit” (viết tắt của “Britain Exit”, tức “Vương quốc Anh rời đi”).

Nhìn từ góc độ bóng đá, thật khó để nghĩ rằng có người hâm mộ bóng đá nào của nước Anh lại muốn lựa chọn Brexit. Một điều trùng hợp đáng chú ý là nơi người dân bầu “Ở lại” nhiều nhất chính là tại thành phố London và khu vực vùng Tây Bắc nước Anh – chính là hai khu vực phát triển bóng đá bậc nhất nước Anh.

Các cầu thủ thuộc một quốc gia trong khối EU vẫn luôn dễ dàng tới Anh và thi đấu hơn. So với những cầu thủ từ các quốc gia châu Âu ngoài EU nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung, họ thường không bị xem xét lý lịch chuyên môn để được cấp giấy phép lao động.

Eric Cantona có thể đã không bao giờ xuất hiện tại Anh, nêu Anh không phải thành viên EU!

Phần xem xét lý lịch chuyên môn này hiện chưa rõ có thay đổi trong tương lai hay không, nhưng xét theo tiêu chuẩn hiện tại, một cầu thủ sẽ buộc phải là người đã khoác áo đội tuyển quốc gia mới có thể được cấp giấy phép lao động, trừ khi phía câu lạc bộ dành nhiều thời gian (và tiền bạc) để chứng minh rằng đây là một tài năng đặc biệt. 

Nói đơn giản hơn, nếu Anh không phải thành viên EU, N’Golo Kante có thể đã không bao giờ đủ điều kiện khoác áo Leicester City, chưa nói đóng góp công sức lớn vào chức vô địch Ngoại Hạng Anh mùa 2015-16 của đội bóng này. Dimitry Payet và Graziano Pelle – những cầu thủ đã ghi bàn cho Pháp và Ý tại vòng chung kết Euro 2016 – cũng sẽ không thể tới Anh chơi bóng.

Nếu không phải thành viên của EU, nếu không được hưởng chung luật Bosman, có thể nước Anh đã không bao giờ được chứng kiến tận mắt những Eric Cantona, Dennis Bergkamp, Gianfranco Zola, Thierry Henry, Cristiano Ronaldo... và rất nhiều người khác nữa.

Cần khẳng định rằng sự có mặt của các cầu thủ ngoại quốc đã giúp cho bóng đá Anh phát triển mạnh mẽ hơn. Từ năm 1968 tới năm 1992, đội tuyển Anh giành chiến thắng trong 52% số trận họ tham dự. Kể từ năm 1992, khi bắt đầu “mở cửa” với các cầu thủ từ lục địa, họ đã thắng 62% số trận tham dự.

Giai đoạn 1996-1999 đã chứng kiến những cuộc cách mạng về khoa học thể thao trong làng bóng đá Anh, chủ yếu nhờ văn hóa sinh hoạt mà các cầu thủ ngoại quốc mang tới.

Thế nhưng, sau cùng, cuộc sống không chỉ có bóng đá...

Dũng Lê
.
.
.