Nước cờ thận trọng của Tổng thống Mỹ sau vụ tấn công ở Saudi Arabia
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng một cách tiếp cận thận trọng bất thường trong việc đưa ra hành động liên quan đến cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy dầu mỏ ở Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Reuters. |
Ngay sau vụ tấn công nhằm vào các nhà máy của công ty dầu khí nhà nước Aramco của Saudi Arabia hôm 14-9 vừa qua, Tổng thống Trump đã ngay lập tức đưa ra một tuyên bố rằng Mỹ đã “sẵn sàng hành động”, đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đổ lỗi cho Iran tiến hành vụ tấn công.
Tuy nhiên, bốn ngày sau vụ tấn công, ông Trump vẫn chưa đưa ra thời điểm cho “hành động” mà ông từng nói. Thay vào đó, ông lại muốn chờ kết quả điều tra và điều ông Pompeo đến tham khảo ý kiến tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong tuần này.
“Vẫn còn nhiều thời gian. Các bạn biết đó, không nhất thiết phải vội vàng”, ông Trump phát biểu hôm 17-9.
Báo chí quốc tế đưa tin cho biết Washington tin rằng các cuộc tấn công kể trên xuất phát từ Iran, thậm chí còn khẳng định là bắt đầu từ miền Tây Nam của Iran.
Các quan chức Mỹ cho biết ông Trump, người vốn hoài nghi về các cơ quan tình báo của chính Mỹ, muốn đảm bảo rằng thủ phạm phải được xác định theo cách mà có thể làm hài lòng không chỉ ông mà còn là toàn bộ người dân Mỹ.
Một quan chức Mỹ cho biết, đối phó với vụ tấn công lớn nhất nhằm vào ngành dầu mỏ của thế giới trong lịch sử, việc thận trọng, không vội vã và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đồng thuận là một biện pháp cần làm.
Lập trường của ông Trump ngày nay trái ngược hoàn toàn với năm 2017, khi mà chỉ mới có 3 tháng trong nhiệm kỳ nhưng ông chỉ cần đợi 2 ngày để quyết định tấn công trừng phạt lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên quan đến cáo buộc tấn công hóa học nhằm vào thường dân.
Sự thận trọng này của ông Trump thể hiện quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm 20166 và rằng ông đang cố gắng thúc đẩy nó một lần nữa trong chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.
Các trụ cột cơ bản của quan điểm này bao gồm cuộc chiến ở Iraq là một sự phí phạm sinh mạng và tài sản của Mỹ, là sự chấm dứt của cuộc chiến tại Afghanistan mà Mỹ đã sa lầy 18 năm, và rằng Washington nên được bồi hoàn cho việc triển khai quân trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc đến Đức.
Jon Alterman, một chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết ông Trump “ngày càng thận trọng khi dấy lên bất kỳ hành động quân sự nào”.
“Một số trợ lý của Tổng thống nghĩ rằng sẽ là mất trí nếu gây chiến với Iran. Nhiều quan chức khác cũng nghĩ rằng điều điên rồ nhất mà chúng ta có thể làm chính là dấn thân vào cuộc chiến chẳng có hồi kết ở Trung Đông”, chuyên gia này cho biết.
Vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Saudi đã cản trở những nỗ lực đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran nhằm xác định xem liệu Tehran có thực sự sẵn sàng cho một thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ để đổi lại các lệnh trừng phạt kinh tế vốn đang gây tổn thất cho nền kinh tế Iran hay chưa.
Việc ông Trump sẵn sàng nới lỏng trừng phạt với Iran đã “báo động” Cố vấn an ninh quốc gia của ông, John Bolton, khi Tổng thống Mỹ nêu ra ý tưởng này tại một cuộc họp hôm 9-9, ngày hôm sau, ông Bolton bị sa thải.
Sự ra đi của ông Bolton đã loại bỏ tiếng nói chống Iran chủ đạo trong chính quyền Mỹ. Là một quan chức với chính sách đối ngoại “diều hâu” nổi tiếng, ông Bolton được cho là rất tức giận vào tháng 6 khi ông Trump đột ngột ngừng các cuộc không kích để đáp trả Iran hồi hạ máy bay không người lái của Mỹ.