“Nín thở” trước cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều

Thứ Ba, 12/06/2018, 07:56
Hy vọng và hoài nghi, đó là những từ được dư luận nhắc nhiều tới khi nói về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tại quốc đảo Singapore. 


Kết quả cuộc gặp này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích địa chính trị kinh tế và an ninh của các quốc gia trong khu vực.

Lạc quan và kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp

Mặc dù vẫn còn nghi ngờ và thận trọng, nhưng với các tuyên bố tích cực trước hội nghị của hai “người trong cuộc” khiến nhiều nước kì vọng, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ mang lại kết quả như dư luận mong đợi, đúng như tên của nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử Sentosa, trong tiếng Malaysia có nghĩa là “hòa bình và yên bình”. Cả hai cũng đều bày tỏ kỳ vọng đối với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên này.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng và Washington có khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận lịch sử nào về phi hạt nhân hóa và đảm bảo an ninh hay không, song những diễn biến bên ngoài gần đây nhất từ hai phía dường như cho thấy cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra thành công.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc ăn trưa làm việc cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 11-6, người đứng đầu Nhà Trắng dự đoán “mọi việc có thể diễn ra rất tốt đẹp” trong cuộc gặp này: “Chúng tôi sẽ có một cuộc gặp riêng rất thú vị vào ngày mai, và tôi nghĩ rằng mọi việc có thể diễn ra rất tốt đẹp”.

Tổng thống Mỹ cũng đánh giá quyết định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore là một quyết định “rất tỉnh táo”, đồng thời bày tỏ cảm ơn và “đánh giá cao sự hiếu khách, chuyên nghiệp và thân thiện” của nước chủ nhà Singapore.

Trước đó, hôm 10-6, một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ khá lạc quan vào cuộc gặp Mỹ - Triều, cho rằng, hội nghị sẽ đạt được kết quả tích cực, vì cả Washington và Bình Nhưỡng đều có thành ý mạnh mẽ khi ngồi xuống bàn đối thoại.

Trong khi đó, Nhật Bản - một quốc gia luôn có lập trường cứng rắn nhằm vào CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định ủng hộ thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Theo giới chức và chuyên gia Nhật Bản, Tokyo mong muốn kết quả thành công của hội nghị tại Singapore lần này sẽ dẫn đến một thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên, không chỉ về vấn đề tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ mà cả những tên lửa tầm ngắn có thể bắn tới Nhật Bản.

Trung Quốc thì cho rằng, cuộc gặp sẽ là một bước đi quan trọng trên con đường đúng đắn tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, hi vọng rằng, Mỹ và Triều Tiên có thể hợp tác, thể hiện thiện chí hướng đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế mong đợi, đóng góp tích cực vào việc mở ra một kỉ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng từ châu Á, Australia nhận định, việc CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán đã là một “kỳ tích”.

Và những cảnh báo

Kỳ vọng là vậy nhưng các nước đều hiểu rằng, để kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là một con đường dài đầy khó khăn và trắc trở, khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên có cái nhìn khác nhau về tiến trình phi hạt nhân hóa.

Do đó, đây sẽ trở thành một thời điểm đột phá trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng nhưng cũng có thể sẽ kết thúc thảm bại và đẩy 2 nước tới gần hơn tới bờ vực chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ có thể thành công khi các bên hướng đến mục tiêu là một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể xác minh trên Bán đảo Triều Tiên.

“Nếu Triều Tiên thay đổi sẽ tạo ra nền tảng tương lai tốt hơn, miễn là nước này cam kết từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, mang lại sự ổn định cho khu vực.

Canada tin rằng, một giải pháp ngoại giao và hòa bình là cần thiết và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho ta thấy cộng đồng quốc tế cần phải hành động một cách thận trọng”, Bộ trưởng Singh Sajjan nói.

Mọi chú ý hiện đều hướng vào thỏa thuận phi hạt nhân có thể đạt được giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Thỏa thuận này sẽ như thế nào? Giới chuyên gia cho rằng, nếu phi hạt nhân hóa ở đây đáp ứng được các yêu cầu của cả Mỹ và Triều Tiên thì đây sẽ là một thỏa thuận lịch sử. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này mới chỉ là bước khởi đầu và tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ còn tiếp diễn với thêm nhiều cuộc gặp thượng đỉnh nữa.

Do đó, tại cuộc gặp này, Mỹ phải tính đến các bước thúc đẩy thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa, thay vì để thỏa thuận đổ bể như trước đây và khiến căng thẳng leo thang trở lại.

Với Tổng thống Donald Trump, chính sách cứng rắn một mực yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể sẽ khiến tham vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên rơi vào bế tắc.

Việc người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng, cũng như không sử dụng cụm từ quen thuộc lâu nay “sức ép tối đa” sẽ là “tín hiệu” mới để giới quan sát đặt hy vọng vào bàn thảo luận Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

“Hòa bình Bán đảo Triều Tiên là hòn đá tảng cho thịnh vượng châu Á”

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đưa ra tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 24 đang diễn ra ở Nhật Bản. Ông hối thúc các quốc gia châu Á tăng cường hỗ trợ việc tái lập mối quan hệ hữu nghị trong khu vực khi đã có nhiều thay đổi trong bức tranh toàn cảnh an ninh khu vực.

Bộ trưởng Kim Dong-yeon cho rằng, cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều sắp tới tại Singapore nếu đạt kết quả tốt sẽ mang lại một cơ hội mới cho nền kinh tế.

Theo ông, việc tiến hành hàng loạt cuộc đối thoại với Triều Tiên không chỉ đem lại hòa bình cho khu vực Bắc Á mà còn phục vụ lợi ích của toàn thế giới. Ông kêu gọi các nước ủng hộ hợp tác kinh tế với Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. (Trần Linh)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.