Trên thực tế, kể từ sau lá thư ngày 24-5 của ông Trump gửi tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vì cảm thấy “không phù hợp” sau khi Triều Tiên bày tỏ “sự thù địch công khai” trong những tuyên bố gần đây, Triều Tiên đã thay đổi thái độ, tích cực và chủ động hơn để cứu vãn cuộc gặp sẽ mang tính lịch sử này.
Nội dung bức thư cùng các phát biểu sau đó của ông Trump ám chỉ “sự thất vọng thực sự” của Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng thực chất ông Donald Trump đang muốn “chơi chiêu”, thử lòng người đồng cấp Kim để xem phản ứng của Triều Tiên ra sao. Ngay sau đó, ông Trump lại quay ngoắt 180 độ, tuyên bố sẽ vẫn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa.
Còn nhớ, Tổng thống Donald Trump từng gọi ông Kim Jong-un là “người tên lửa” và đe dọa sẽ xóa bỏ chính quyền Bình Nhưỡng khỏi trái đất. Thế nhưng, ngay sau đó, Tổng thống Mỹ đã thay đổi giọng điệu khi bắt đầu dành những lời khen ngợi cho ông Kim bởi “thành ý” cam kết phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-Ri. Rõ ràng, không nên đánh giá đây là phong cách ngoại giao “trẻ con” khi ông Donald Trump từ một tỷ phú trở thành người đứng đầu quốc gia số 1 thế giới.
Tất cả những quyết định có vẻ “rất đột ngột” ấy thực chất lại nằm trong một chiến lược nhất quán về cách thức sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ, được cụ thể hóa trong trường hợp này là “vừa dọa đánh, vừa đàm phán”, phải "đàm" thế nào đó để có ưu thế nhất.
Theo đó, dù đồng ý đàm phán, song Mỹ sẽ luôn duy trì lập trường cứng rắn, đồng thời sẵn sàng áp dụng chiến thuật “chơi cờ vua”, với mục tiêu chiến thắng bằng cách “chiếu hết” đối thủ. Dường như, việc Bình Nhưỡng dịu giọng hơn sau đó và khẳng định mong muốn đối thoại với phía Mỹ “ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào” ám chỉ động thái này rốt cuộc có vẻ hiệu quả.
Thậm chí, để tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa và sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 26-5, chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc gặp trước đó.
|