Xét xử sai phạm tại Ngân hàng Đông Á:

Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội ông Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:50
Ngày 13-12, phiên toà xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (viết tắt DAB) đối với Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc -TGĐ, Phó Chủ tịch HĐQT, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp lại bài bào chữa các luật sư của Viện Kiểm sát (VKS).


Đối đáp với luật sư của ông Trần Phương Bình, VKS không chấp nhận đề nghị “không xem 1.160 tỷ đồng xuất quỹ chi sai nguyên tắc là thiệt hại của vụ án, bởi vẫn nằm ở DAB dạng cổ phần...” mà luật sư đưa ra trước đó. Theo Cơ quan công tố, ông Bình đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội để mua cổ phần của DAB. Việc này khiến DAB thiệt hại 1.160 tỷ đồng, song ông Bình và người thân vẫn được hưởng cố tức hằng năm.

Đối với 497 tỷ đồng mua 13,9 triệu USD, VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo đã được cấu thành khi Vũ nhận tiền. Việc Vũ tự nguyện nộp lại số tiền này chỉ được xem là tình tiết khắc phụ hậu quả.

Ngoài ra, VKS cho rằng ông Bình không thể lấy lý do “ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ...” để biện minh cho chủ trương chi lãi ngoài. Tuy nhiên, VKS đồng ý với yêu cầu của luật sư về việc các tổ chức, cá nhân tham gia chi lãi ngoài phải trả lại tiền cho DAB. Theo VKS, trong giai đoạn hai, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu hồi các khoản tiền bày nhằm khắc phục hậu quả cho vụ án.

Các bị cáo tại phiên toà.

VKS ghi nhận lời bào chữa các luật sư bảo vệ cho ông Bình về các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có thời gian dài cống hiến trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, VKS nhận định sai phạm của ông Bình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, ông Bình đã thao túng toàn bộ ngân hàng, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng. Với hành vi nêu trên, VKS xác định mức án đề nghị cho ông Bình là phù hợp...

Tương tự như ông Bình, VKS xác định bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó TGĐ) là đồng phạm tích cực với ông Bình. Ngoài chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền 40 tỷ đồng về hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bà Tuyến còn phải liên đới chịu trách nhiệm gây thiệt hại cho DAB số tiền 1.574 tỷ đồng. VKS cũng ghi nhận, quá trình điều tra và tạo toà, bà Xuyến thành khẩn khai báo.

Đối với Phan Văn Anh Vũ, VKS xác định trong vụ án này, Vũ là đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng nên phải phải chịu trách nhiệm bồi thường về số tiền này. Ngoài ra, Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại số tiền 13,4 triệu USD và 90,5 tỷ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả vụ án.

Quá trình điều tra, khai báo và tự bào chữa cho mình tại toà, bị cáo Vũ không thừa nhận là đồng phạm với Bình về việc chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Vũ kêu oan và cho rằng các khoản tiền bị quy kết chiếm đoạt của DAB là quan hệ giao dịch giữa bị cáo với ông Bình.

Tuy nhiên, theo VKS, việc Vũ cho rằng số tiền 200 tỷ đồng là quan hệ dân sự với ông Bình là không có căn cứ. Bởi, ông Bình khai không có ý định cho Vũ mượn tiền mà chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) thu khống.

Việc vay mượn bình thường có thể thông qua hợp đồng giao dịch, hoặc nói miệng, không ai mượn tiền lại ký giấy nộp khống. Việc này đã thể hiện ý chí của Vũ... Biên bản có nội dung, Vũ ký tên thì buộc phải đọc nội dung. Tiền bị cáo nhận của ngân hàng chứ không phải của ông Bình. Bị cáo có thể không tham gia bàn bạc, không nghe Bình chỉ đạo Vinh nhưng việc ký tên hoàn toàn là ý thức của Vũ...”, VKS nhận định. Vì vậy, VKS bác bỏ hoàn toàn ý kiến Vũ và luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, VKS cũng ghi nhận, quá trình điều tra và tại toà, gia đình Vũ đã nộp lại số tiền 203 tỷ đồng bị quy kết “lạm dụng tín nhiệm...” chiếm đoạt DAB số tiền trên.

Đối vớibị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB), VKS nêu quá trình điều tra và tại toà luôn kêu oan nhưng trong phần bào chữa bị cáo nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt. VKS nhận định vai trò của bị cáo Lan hạn chế, bị cáo đang nuôi con nhỏ, từ đó đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án thấp hơn mức đề nghị.

Trong vụ án này, bị cáo Lan bị truy tố có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế...” gây thiệt hại cho DAB 352 tỷ đồng trong việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB Singapore và Ngân hàng Banca Adamas Thụy Sỹ và chi lãi ngoài trái phép gây thiệt hại 467 tỷ đồng.

Đối với các bị cáo còn lại, VKS chấp nhận lời bào chữa của các luật sư khi cho rằng là nhân viên nên các bị cáo đã làm theo chỉ đạo của ông Bình, bỏ qua quy trình của ngân hàng mà phạm tội. Vì vậy, khi đề nghị mức án, VKS đã xem xét các tình tiết trên và quá trình điều tra cũng như tại phiên toà các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi... Riêng các bị cáo nguyên là tổ giám sát ngân hàng, VKS đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.

Trước đó, sau nhiều ngày xét xử, thừa ủy quyền của VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại toà, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị HĐXX xử phạt Trần Phương Bình mức án tù chung thân, Nguyễn Thị Kim Xuyến 30 năm tù cho cả hai tội danh trên. Đối với Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị mức án 15-17 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án TAND cấp cao tại Hà Nội, bị cáo này phải chịu hình phạt chung là 23-25 năm tù. Liên quan đến vụ án này, 23 bị cáo còn lại cũng bị đề nghị mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 18 năm tù.

A.Huy
.
.
.