Đồng loạt khám xét 32 điểm tín dụng đen ở Thanh Hoá
- Triệt phá 7 nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
- Choáng với nhóm tín dụng đen cho vay lãi suất “cắt cổ” 365%/ năm
- Phát hiện hai nhóm hoạt động “tín dụng đen” ở Nha Trang
- Bắt nhóm “tín dụng đen” cho vay lãi suất "cắt cổ" ở Buôn Ma Thuột
Khi khách hàng không có khả năng chi trả số tiền vay, các đối tượng tiến hành các biện pháp đòi nợ như đe doạ, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…gây phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn.
Với quyết tâm “đập tan” các ổ nhóm tội phạm trá hình trên, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá; Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã cùng CBCS nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, chọn thời điểm thích hợp để phá án.
Đồng loạt khám xét 32 điểm “tín dụng đen”
Thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc, Công an thành phố Thanh Hóa đã xác lập chuyên án để đấu tranh với hành vi cho vay lãi nặng xảy ra tại 4 công ty tài chính, cầm đồ có trụ sở chính ở TP Thanh Hoá.
Đây là những công ty “mẹ”, do các đối tượng côn đồ cộm cán đứng sau điều hành, chỉ đạo, gồm: Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín do Đỗ Thế Đại (Đại lác), 35 tuổi, trú tại 253 Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hoá đứng sau, gồm 12 điểm kinh doanh; Công ty TNHH Trường Cửu Đông Anh, Hà Nội do Nguyễn Duy Linh (Linh cụt), 34 tuổi, trú ở Trịnh Khả, Ngọc Trạo và Lê Quang Cường (Cường gấu), 34 tuổi, trú ở Cốc Hạ 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hoá đứng sau gồm 8 điểm kinh doanh; Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín, do Nguyễn Quang Vinh (tức Long Hợi), 35 tuổi, trú tại Tạnh Xá, Đông Vệ, TP Thanh Hoá và Nguyễn Văn Vy (Vy ngộ), 38 tuổi, trú ở 130 Đào Duy Từ, Ba Đình, TP Thanh Hoá đứng sau, gồm 6 điểm kinh doanh và Công ty TNHH dịch vụ tài chính Quyền Quý – Công ty TNHH Nam Tiến 36 do Hoàng Mạnh Linh (Linh lùn), 32 tuổi, trú tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoá đứng sau.
Một số đối tượng bị bắt giữ. |
Thủ đoạn hoạt động của các công ty ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi xuất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Khi người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…
Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng, ngày 22-12, cơ quan CSĐT công an TP Thanh Hoá đã huy động trên 300 cán bộ chiến sỹ tiến hành đồng loạt khám xét theo thủ tục hành chính đối với 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính ở 14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa 10 điểm; TP Sầm Sơn 2 điểm; Hoằng Hóa 4 điểm; Tĩnh Gia 3 điểm; Hậu Lộc 2 điểm; Thọ Xuân 2 điểm; Ngọc Lặc 2 điểm; Bỉm Sơn, Thạch Thành, Triệu Sơn, Hà Trung, Cẩm Thủy, Bá Thước, Yên Định mỗi huyện 1 điểm).
Quá trình khám xét, cơ quan CSĐT đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách, số liệu liên quan đến hoạt động vay tín dụng, nhiều giấy tờ được sử dụng thế chấp vay tiền như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy phép kinh doanh; đăng ký xe mô tô; Chứng minh nhân dân…; nhiều công cụ, phương tiện nghi vấn được các nhóm đối tượng này sử dụng khi xiết nợ gồm 1 quả lựu đạn; 90 vỏ đạn súng quân dụng; 1 bình xịt khí bóng cười; 1 dùi cui điện; 1 bình xịt cay; 20 dao, lê, kiếm các loại; 4 tuýp sắt… và tạm giữ nhiều tài sản có giá trị có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi gồm 1 ô tô; 20 xe máy; 6 két sắt; 30 điện thoại; 19 CPU máy tính; 8 laptop và hơn 1,5 tỷ đồng tiền Việt Nam...
Công an thành phố Thanh Hoá đã huy động tối đa các lực lượng tiến hành triệu tập các đối tượng có liên quan đồng thời làm việc với các bị hại đã vay tiền để làm rõ các hành vi cho vay lãi nặng.
Qua đấu tranh, khai thác, đến ngày 1-1, Cơ quan điều tra Công an TP Thanh Hoá làm rõ, có đủ tài liệu, chứng cứ, ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng gồm: Cao Xuân Thu, 28 tuổi, HKTT: 46/5 Lê Thị Hoa, P. Lam Sơn, TP Thanh Hoá, Giám đốc Công ty TNHH DVTC Đại Tín; Đỗ Nguyễn Minh Tân, 28 tuổi, HKTT: 37/118 Phan Bội Châu 3, P. Tân Sơn, TP Thanh Hoá. Tân là Kế toán Công ty TNHH DVTC Đại Tín; Lê Phú Lượng, 25 tuổi, trú ở phố Ái Sơn 2, P. Đông Hải, TP Thanh Hoá, là Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 84 Tống Duy Tân, P. Bắc Sơn TP Sầm Sơn; Đỗ Văn Thái, 36 tuổi, trú ở thôn 6, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, là quản lý điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 74 Vinh Sơn, TT Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. 4 đối tượng trên bị khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Riêng đối tượng Trương Đình Tâm, 21 tuổi, HKTT: Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, là nhân viên của công ty Dịch vụ tài chính Thương Tín bị khởi tố về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hàng chục nghìn người là nạn nhân của “tín dụng đen”
Lực lượng chức năng đã triệu tập các đối tượng có liên quan đồng thời làm việc với các bị hại đã vay tiền để làm rõ các hành vi cho vay lãi nặng. Qua đó, đã làm rõ hành vi của từng Công ty.
Cụ thể, Công ty TNHH DVTC Đại Tín được thành lập từ năm 2016, do Đỗ Thế Đại đứng sau gồm 12 điểm kinh doanh trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa.
Từ khi thành lập, Đỗ Thế Đại thuê Nguyễn Thế Hùng, 29 tuổi ở P. Đông Hương, TPTH làm Giám đốc, đến tháng 6-2018 Hùng bị bắt về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Đại tiếp tục thuê Cao Xuân Thu làm Giám đốc công ty và làm Trưởng 12 chi nhánh, đồng thời thuê Đỗ Nguyễn Minh Tân làm Kế toán; mỗi điểm kinh doanh thuê từ 2 đến 3 người thực hiện việc cho vay.
Thủ đoạn hoạt động của công ty là khi khách hàng đến vay tiền, công ty yêu cầu phải làm thủ tục mua bán xe của khách hàng và cho thuê lại chính chiếc xe đó để hợp thức hóa việc cho vay, với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương 182%/năm).
Sau khi vay tiền, khách hàng phải để lại đăng ký xe chính chủ, giấy tờ tùy thân như CMND, Giấy phép lái xe và đóng trước 10 ngày tiền lãi của số tiền đã vay, sau đó tiếp tục đóng lãi 10 ngày.
Qua phân tích số liệu từ 2016 đến nay công ty này đã cho 4. 056 khách hàng vay vốn, với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng; số tiền lãi thu được hơn 13 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ, nhiều khách hàng vay công ty này 30.000.000 đồng nhưng sau 1 năm đã trả hơn 100 triệu tiền lãi mà vẫn chưa trả hết tiền gốc.
Công ty TNHH Trường Cửu được thành lập từ năm 2016, gồm 8 chi nhánh do Nguyễn Duy Minh làm Giám đốc. Địa bàn hoạt động ở các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa.
Thủ đoạn hoạt động là khi khách hàng đến vay tiền, nhân viên yêu cầu khách hàng phải làm thủ tục bán tài sản sử dụng làm tài sản thế chấp sau đó thuê lại chính tài sản đó để hợp thức hóa việc cho vay và để lại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, giấy tờ tùy thân và cắt trước 10 ngày lãi; lãi suất cho vay cũng từ 3.000 đến 5000 đồng/1 triệu/1 ngày. Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, Công ty TNHH Trường Cửu đã cho 2.631 khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng; tiền lãi thu về hơn 9 tỷ đồng.
Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín thành lập từ năm 2017, gồm 6 chi nhánh tại các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa, do Nguyễn Sỹ Thương, 30 tuổi ở phường Quảng Thành, TP Thanh Hoá làm Giám đốc.
Thương là người trực tiếp tuyển nhân viên theo yêu cầu công việc. Thủ đoạn hoạt động của công ty là cho “vay thăm” với số tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng/1 “bát thăm”, trong đó khách hàng vay 10 triệu đồng thì nhân viên công ty đưa lại cho khách 8 triệu, cắt luôn 2 triệu tiền lãi.
Đồng thời yêu cầu khách hàng đóng tiền vay mỗi ngày 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ, đã có 90 người đến vay tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH TMDV Quyền Quý - Công ty TNHH Nam Tiến 36 do Hồ Nhật Minh làm giám đốc và Công ty TNHH Nam Tiến 36 do Nguyễn Văn Thịnh làm giám đốc. Mỗi công ty đều có chi nhánh tại các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung và TP Thanh Hóa. Hiện, Công an TP Thanh Hoá đang làm việc với các bị hại liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của 2 Công ty này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, ngay sau ngày khám xét tại 32 chi nhánh dịch vụ công ty tài chính thì hầu hết các công ty tài chính khác trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu , một số cơ sở đã nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của các đối tượng thuộc các Công ty trên, tiến hành thông báo công khai, kêu gọi người dân đã và đang vay tiền của các công ty nói trên phối hợp với cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ vụ án.