Xung quanh việc sử dụng đèn xi nhan khi xe đi trên đoạn đường cong

Chủ Nhật, 24/09/2017, 07:40
Điều 15 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định: “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ”.

Theo tôi hiểu, chuyển hướng tức là thay đổi hướng đi của xe. Mà xe thì đang đi theo con đường nên chuyển hướng là xe chuyển hướng so với con đường mà xe đang đi (để chuyển làn, quẹo,… ). Cho nên, khi xe đi trên đoạn đường cong tức là xe đang đi theo đoạn đường cong chứ không phải là xe đang chuyển hướng đối với đoạn đường cong đó, hay nói cách khác là không phải xe đang chuyển hướng. Và theo Luật Giao thông đường bộ thì xe không phải bật đèn xi nhan.

Luật Giao thông đường bộ cũng không quy định khi xe đi trên đoạn đường cong có giao nhau cùng mức thì phải bật đèn xi nhan cho nên việc điểm a, khoản 4, điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) là trái luật.

Tôi cho rằng, trước khi chuyển hướng, nếu tốc độ của xe quá cao có thể gây nguy hiểm (tốc độ quá cao so với bán kính chuyển hướng gây mất lái, thậm chí lật xe,…) thì phải giảm tốc độ xe trước khi chuyển hướng, nếu không thì không cần phải giảm tốc độ. Cho nên, điều 15 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 cần được sửa thành: “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ (nếu cần thiết) và có tín hiệu báo hướng rẽ”.

Lâm Tấn Lợi
.
.
.