Vướng mắc việc xây nhà tránh bão, lũ cho người nghèo

Thứ Sáu, 27/11/2015, 14:17
Chính sách hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng giúp cho hàng trăm hộ nghèo nằm trong vùng ngập sâu khi có bão lũ của tỉnh Quảng Ngãi được an toàn, đời sống người dân ổn định, khấm khá hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc an cư cho người dân…


Cơn lũ năm 2013 ập về với mực nước cao đến 1,5m đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà của gia đình chị Đinh Thị Nhà, ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Nhưng hơn 2 năm qua gia đình chị vẫn sống trong một căn nhà tạm bợ, dù nằm trong diện hỗ trợ xây dựng nhà tránh bão, lũ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. 

Chị Nhà thật thà nói rằng, không phải chính quyền địa phương không quan tâm, không giúp đỡ kinh phí cho gia đình làm nhà, mà là do mực nước ở đây cao quá nên muốn làm nhà ở vị trí an toàn hơn.

Nhiều hộ nghèo ở Quảng Ngãi vẫn chưa được xây dựng nhà tránh bão, lũ theo Quyết định 48.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, các nhà tránh lũ phải được làm ngay tại nền nhà cũ, hoặc chủ nhà chỉ được chọn địa điểm khác ngay trong khu đất đang ở, còn di dời hẳn thì các hộ dân không còn nằm trong diện được hưởng Quyết định 48, mà sẽ trở thành đối tượng của chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai đặc biệt khó khăn. 

Bà Đinh Thị Trà, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho rằng: Việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 48 vẫn còn một số điểm chưa sát với thực tế, cần phải bổ sung, chỉnh sửa, chứ không nên cứng nhắc quá.

“Sao lại bắt buộc người dân làm nhà ngay trong vùng ngập lụt. Chắc gì làm nhà cao hơn là không bị ngập, không bị nguy hiểm. Trong khi người dân đã tự tìm địa điểm cao ráo, an toàn hơn thì tại sao không tạo điều kiện cho họ”, bà Trà nêu rõ quan điểm. 

Theo thiết kế quy định các hộ dân trong diện làm nhà Quyết định 48 phải đổ bê tông gác nhỏ để tránh ngập lụt, nhưng với 29 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại là 14 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay thêm 15 triệu đồng, thì việc làm ngôi nhà như quy định sẽ không đủ kinh phí. Thế nên, dù nằm trong danh sách được hỗ trợ làm nhà tránh lũ năm 2015, nhiều hộ nghèo ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, phải đành chấp nhận… bó tay!

Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương hằng năm chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó có hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng ngập sâu khi lũ về. Năm 2013, có khoảng 100 hộ nghèo ở 2 vùng rốn lũ của Bình Sơn và Nghĩa Hành được hỗ trợ tạo điều kiện xây nhà tránh lũ, cải thiện chỗ ở. 

Cuối tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Thực hiện chính sách này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh (Quyết định 489/QĐ-UBND), với tổng số hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ là 3.323 hộ; tiến độ thực hiện đề án trong 2 năm 2015-2016. 

Tổng vốn thực hiện đề án trên 169 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 42,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 16,6 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu đãi trên 49,8 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động Quỹ “Ngày vì người nghèo”, huy động cộng đồng, các gia đình đóng góp. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như đã nêu trên, tiến độ xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 48 ở tỉnh Quảng Ngãi còn khá chậm. 

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến cuối tháng 9-2015, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện hỗ trợ xây dựng được 434 nhà ở phòng, tránh bão, lụt (chỉ đạt 13,06% đề án). Tổng kinh phí đã giải ngân đến hộ gia đình để xây dựng nhà là 13,915 tỷ đồng/36,144 tỷ đồng, chỉ đạt 38,5% nguồn vốn đã được phân bổ. 

Sở Xây dựng Quảng Ngãi giải thích: Nguyên nhân triển khai hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ chậm tiến độ là bởi nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn chậm, đến tháng 11-2014 mới bố trí vốn năm 2014, còn vốn năm 2015 thì đến tháng 7 và 9-2015 mới bố trí nên địa phương không kịp phân bổ để triển khai thực hiện. 

Bên cạnh đó, nhiều hộ diện được hỗ trợ cho rằng số tiền hỗ trợ quá ít nên không nhận tiền làm nhà; một số hộ không dám vay vốn vì sợ không có khả năng trả nợ. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm thì không huy động được...

Anh Thư
.
.
.