"Vỏ" an sinh, "ruột" khai khoáng

Thứ Năm, 24/03/2016, 13:58
Thời gian gần đây, nhiều huyện ở tỉnh Quảng Nam rộ lên tình trạng thực hiện dự án với danh nghĩa an sinh xã hội, song để doanh nghiệp thực hiện tận thu vàng sa khoáng; xẻ đồi lấy đất bán san lấp mặt bằng các công trình thu lợi…


Một ngày cuối tháng 3-2016, giữa cái nắng cháy da, đoàn xe múc, xe ủi của dự án cải tạo, khai hoang đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản tại thôn Aróh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, vẫn ráo riết hoạt động gần như hết công suất. Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam thực hiện, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép theo Quyết định số 3367/QĐ-UBND, ngày 18-9-2015. 

Trên công trường, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc dự án, cho biết, dự án khai hoang, cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khai thác vàng sa khoáng tại Aróh được triển khai từ tháng 11-2015, dự kiến đến tháng 9-2016 hoàn thành. Mỗi ngày trên công trường có khoảng 20 công nhân của công ty làm việc. 

Tận thu vàng sa khoáng ở dự án Aróh.

“Trung bình mỗi ngày chi phí của chúng tôi phải bỏ ra để thực hiện dự án này khoảng 37-38 triệu đồng. Song, nhiều khi chúng tôi gặp phải tình trạng thu không đủ bù chi vì lượng vàng sa khoáng tại đây không có nhiều. Dù phải bù lỗ nhưng công ty vẫn cố gắng thực hiện xong dự án để đảm bảo uy tín của mình”, ông Anh than vãn. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Anh thì vào những ngày cao điểm, việc tận thu vàng sa khoáng tại Aróh này đạt được hơn 3 cây vàng, tương đương khoảng 100 triệu đồng. Do đó, việc công ty này có bù lỗ khi triển khai dự án hay không thì chỉ có họ mới biết được (?!).

Dự kiến, khi hoàn thành, dự án tại thôn Aróh sẽ tạo ra được 16ha đất sản xuất, trong đó có hơn 7ha đất làm ruộng lúa nước. Đây là quỹ đất tương đối lớn đối với một xã biên giới với địa hình nhiều đồi núi như xã Lăng. Song đó là việc của… “thì tương lai”. Hiện tại, việc thực hiện dự án đã khiến dòng chảy sông A Vương qua khu vực dự án bị ô nhiễm nguồn nước, ngầu đục, tôm cá không thể sống nổi.

Ngay ở Đại Lộc, một huyện đồng bằng bên sông Thu Bồn và Vu Gia, vẫn có nhiều công trình mang danh dự án, song đang tiến hành xẻ đồi, lấy đất để bán cho các đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số công trình khác. 

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết, trên địa bàn huyện có 3 dự án đang triển khai được phép tận thu đất khi san ủi mặt bằng để bán, gồm: Dự án Trạm nghiền đá xây dựng và Xưởng chế biến bột đá tại Cụm công nghiệp Mỹ An 2, xã Đại Quang; dự án trang trại chăn nuôi heo thịt tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp và dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân xã Đại Nghĩa. Tại dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân xã Đại Nghĩa, chúng tôi ghi nhận 2 chiếc xe múc đang hoạt động gần như hết công suất để kịp cho những chiếc xe tải, xe ben đang chờ “ăn” đất… 

Kết quả việc triển khai các dự án “vỏ dự án, ruột khai khoáng” như vừa nêu trên còn phải chờ một thời gian nữa mới biết được. Song, điều dễ dàng nhận thấy, đó là dòng sông A Vương chảy qua địa phận xã Lăng, huyện Tây Giang, về hạ du bị nhiễm bẩn nguồn nước, mà không ai khác là người dân các thôn làng ở hạ du phải gánh nhận hậu quả khi dùng nước sông phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt. 

Còn những quả đồi tại huyện Đại Lộc đang bị “xẻ thịt” từng ngày để lấy đất; xe vận chuyển đất gây bụi mù mịt khiến môi trường sống của người dân ở nhiều khu dân cư bị xáo trộn… Trong khi đó, tiền, vàng thu được từ các dự án kiểu như trên rơi vào túi của ai thì cũng đã rõ.

Ngọc Thi
.
.
.