Vì sao phạt người dân ra đường với lý do không thiết yếu?

Thứ Bảy, 11/04/2020, 17:29
Những ngày gần đây, khi số ca mắc COVID-19 giảm đi, người dân Hà Nội lại có xu hướng chủ quan và nườm nượp đổ ra đường “phớt lờ” lệnh cách ly xã hội. Trước tình hình này, nhiều ý kiến ủng hộ Hà Nội đẩy mạnh việc xử lý nghiêm người ra đường vì mục đích không thiết yếu.


Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đào Hường (Giám đốc Công ty Luật SeaGate) khẳng định việc phạt hành chính những người ra đường vì mục đích không thiết yếu là đúng luật và “Chủ tịch UBND TP Hà Nội được quyền yêu cầu xử phạt những trường hợp này và việc xử phạt này là biện pháp cần thiết để tạo hành lang pháp lý, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của một số người dân không có ý thức dẫn tới hậu quả làm lây lan dịch bệnh”.

Trong số gần 600 xã, phường, thị trấn của TP. Hà Nội, tính đến nay, sau 3 tháng “chiến đấu” với dịch COVID-19, phường Trúc Bạch có lẽ là đơn vị hành chính đặc biệt nhất: Có đến 5 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn, nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên của Hà Nội (ca số 17) và là phường duy nhất trong khu vực nội thành có một con phố và một bệnh viện phải thực hiện cách ly.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 9/4, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường. Ông cảnh báo nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Theo ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình - Hà Nội), căn cứ xử phạt người ra đường vì mục đích không thiết yếu căn cứ trên 4 văn bản. Trong đó có Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điểm a, khoản 1, Điều 11 nêu rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế…”.

 Phường Trúc Bạch xử lý phạt người ra đường vì mục đích không thiết yếu.

Cùng với đó là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị 05/CT-UBND Hà Nội 2020 thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong Chỉ thị 16 và Văn bản hướng dẫn 2601 nêu rõ yêu cầu “thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết”.

Có 3 trường hợp được coi là “thực sự cần thiết”, đó là mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… và thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Ông Huy cũng cho biết, các chỉ đạo của Chính phủ và TP. Hà Nội đã nêu rõ yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra đường với mục đích thiết yếu. Việc các mục đích thiết yếu đã được làm rõ tại Văn bản số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ. Những người ra đường không vì những mục đích này đều gây mất an toàn cho bản thân mình cũng như có nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch

"Quay lại 2 trong số 3 trường hợp đã bị xử phạt trong ngày đầu tiên phường Trúc Bạch xử lý người vi phạm, chúng tôi đã phạt 2 người đi câu cá. Họ mang theo các bộ đồ câu ngoại có giá trị. Đó không phải là người nghèo khó phải đi câu cá kiếm ăn qua ngày. Họ đi câu cá là thói quen, là thú vui không phải mục đích thiết yếu. Chúng tôi có chụp ảnh, quay phim đầy đủ để làm bằng chứng. Bản thân người bị phạt cũng thừa nhận lỗi ra đường vì mục đích không thiết yếu, họ không tranh luận gì và nhất trí nộp phạt”, ông Huy cho biết.

Việc chứng minh công dân vi phạm là trách nhiệm của người thực thi công vụ. Nếu không chứng minh được công dân vi phạm sẽ không thể xử phạt được.

Được biết, phường Trúc Bạch đã có 5 ca bệnh dương tính với COVID-19 và đã trải qua đợt cách ly rất dài. Bà con phường chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng chống dịch, các trường hợp bị phạt đều là các công dân từ nơi khác đến.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch nhấn mạnh: “Chúng tôi phạt không phải vì 200.000 đồng, mà trên hết, qua việc này, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, nhắc nhở, để người dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, vì dịch bệnh rất nguy hiểm, tình trạng mất dấu F0 đang diễn ra, công sức của toàn thể nhân dân và cả hệ thống chính trị đã đổ ra rất nhiều, hao tốn ngân sách Nhà nước, thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng chỉ cần một vài người có ý thức kém là có thể phá hoại toàn bộ công sức của toàn xã hội”

Hà Nội xử phạt nghiêm minh các trường hợp ra đường vì mục đích không thiết yếu

Từ ngày 4/4, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử phạt trường hợp ra đường không vì lý do cần thiết. Nhiều ý kiến đánh giá đây là giải pháp mạnh mẽ của thành phố nhằm ngăn chặn, không cho dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng ngoài cộng đồng.

Sáng ngày 5/4, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã tổ chức kiểm tra xử lý các trường hợp người dân ra đường không thuộc diện được phép. Qua đó đã ban hành quyết định xử phạt 3 trường hợp, mỗi trường hợp 200.000 đồng. 

Chiều 5/4, các tổ công tác làm nhiệm vụ xung quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) đã xử lý 3 trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng không nằm trong danh mục được ra ngoài đường tại phường Lý Thái Tổ với mức phạt 22,5 triệu đồng.

Theo thông tin từ quận Đống Đa, tính đến ngày 9/4, quận này đã xử phạt 312 trường hợp ra đường không đeo khẩu trang, 2 trường hợp câu cá ở hồ Hoàng Cầu, cảnh cáo 5 trường hợp ra đường không có việc cần thiết.

Sáng 10/4, Công an phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đã lập biên bản xử phạt 28 trường hợp ra ngoài không lý do chính đáng tại khu Times City với lỗi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch theo hướng dẫn của của cơ quan y tế” được quy định tại Điều 11, Khoản a của Nghị định số 176/NĐ/2013 của Chính phủ, người vi phạm bị phạt 200.000 đồng theo quy định.


Bình An
.
.
.