Thừa Thiên - Huế: Đầm Chuồn “kêu cứu” do ô nhiễm từ rác thải

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:20
Sử dụng vào việc nuôi trồng thủy hải sản, tạo sinh kế, tuy nhiên thời gian trở lại đây, đầm Chuồn rơi vào tình trạng báo động về ô nhiễm do rác thải gây ra.


Đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích rộng lớn hàng trăm hécta mặt nước nên được trên 300 hộ dân ở xã Phú An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế) sử dụng vào việc nuôi trồng thủy hải sản, tạo sinh kế. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, đầm Chuồn rơi vào tình trạng báo động về ô nhiễm do rác thải gây ra.

Vào khoảng tháng 6 và tháng 7 hằng năm, khi hè về cũng là lúc có rất đông khách du lịch đổ về đầm Chuồn để tham quan, vui chơi. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều du khách thì khu đầm hiện nay đang bị rác bủa vây, gây nên tình trạng ô nhiễm. 

Sáng 8-7, chúng tôi tìm về khu đầm này và chứng kiến cảnh nhiều rác thải chứa trong các bao tải chất thành đống lớn nằm dọc con đường sát khu đầm này chưa được thu dọn, bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Bên cạnh đó, dọc bờ đầm Chuồn chạy men theo con đường bê tông dẫn vào trung tâm xã có vô số thứ rác, trong đó phần lớn là túi nilon chìm nổi dưới mặt nước gây mất cảnh quan, ô nhiễm.

Bà Hồ Thị Gái (ở thôn định cư Thủy Diện, xã Phú An), sống sát bên khu vực đầm Chuồn cho biết: “Gia đình tôi chuyển lên sinh sống ở khu đầm này khoảng 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy đầm Chuồn có nhiều rác thải như hiện nay. Rác thải lâu ngày đọng lại gây ô nhiễm, nguồn nước trên đầm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng chứ không còn sạch như trước”.

Rác thải đóng thành bao và vô số túi nilon vứt bừa bãi ở khu bờ đầm Chuồn, gây nên tình trạng ô nhiễm.

Tìm hiểu được biết, phần lớn rác thải ở khu vực đầm Chuồn là rác thải sinh hoạt do các hộ dân địa phương thải ra. Bên cạnh đó, đầm Chuồn là điểm thu hút một lượng lớn du khách nhưng tại đây, chính quyền địa phương không bố trí các thùng đựng rác công cộng nên rác thải sau ăn uống được khách “vô tư” thải ra ngoài môi trường. Đó là chưa kể đến một số hộ dân lấn chiếm diện tích mặt nước, dựng hàng rào, vây lưới để nuôi thủy sản gần bờ gây nên tình trạng ô nhiễm do rác thải ứ đọng. Tình trạng rác thải, ô nhiễm nói trên đã gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản trên đầm Chuồn của rất nhiều hộ dân. 

Ông Phan Hữu Hùng, cán bộ ngư nghiệp xã Phú An cho biết, khu vực đầm Chuồn có diện tích mặt nước rộng 250ha, được 317 hộ dân ở xã đưa vào sử dụng nuôi trồng thủy sản xen ghép với các loại cá dìa, cá kình, tôm, cua... 

“Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên đầm Chuồn có dấu hiệu suy giảm. Nguyên nhân do thời tiết bất thường khiến tôm cá thả nuôi bị bệnh và do ảnh hưởng một phần từ tình trạng ô nhiễm rác thải”, ông Hùng khẳng định.

Trước tình trạng đáng báo động về rác thải ở khu vực đầm Chuồn, UBND xã Phú An đã thực hiện đề án xử lý rác thải, bảo vệ môi trường đầm Chuồn bằng cách thành lập các tổ thu gom rác tại 4 thôn của xã. Theo đó, mỗi tuần các tổ này sẽ thực hiện thu gom rác ở khu dân cư và ven mặt đầm phá 2 lần, sau đó đưa lên xe tải chở về bãi tập kết rác của tỉnh Thừa Thiên- Huế xử lý.

Mặc dù đã có các tổ thu gom rác nhưng theo phản ánh của nhiều hộ dân thì tình trạng rác thải xả ra đầm Chuồn vẫn chưa thể chấm dứt được khi thôn Thủy Diện có 328 hộ dân thì chỉ có 264 hộ tham gia đóng phí xử lý, thu gom rác thải.

Ông Phan Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho hay, ngoài rác thải, hằng năm vào mùa nắng nóng, khu vực đầm Chuồn xuất hiện một lượng lớn rong tảo bị bứt gốc nổi lên mặt nước thành từng mảng và bị chết, tạo nên mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường. 

“Trước thực trạng này, xã chỉ còn cách vận động, tuyên truyền người dân xả rác đúng nơi quy định và tổ chức nhiều đoàn thể ra quân vớt rác, giảm nguy cơ ô nhiễm khu đầm vì hiện địa phương vẫn chưa có đề án nào để thực hiện bảo vệ môi trường đầm Chuồn”, ông Huy cho biết.

Anh Khoa
.
.
.