Lâm tặc mở đường vào rừng đốn hạ hàng chục cây gỗ

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:15
Cùng với việc kiểm đếm, thu giữ khối lượng gỗ lâm tặc chưa kịp vận chuyển, cơ quan Kiểm lâm phối hợp Công an, Viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường để điều tra truy tìm thủ phạm đã sử dụng xe cơ giới mở đường để đốn hạ gỗ


Liên quan vụ phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất phía Tây Nam, trao đổi với PV Báo CAND ngày 11/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – ông Trần Hữu Thế cho biết đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục kiểm lâm phối hợp cơ quan công an khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên sớm có có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng bằng nhiều biện pháp, kết hợp kiên quyết xử lý các loại phương tiện do người dân “độ, chế”, “gia cố” để vận chuyển gỗ trái phép…

Con đường do lâm tặc sử dụng xe cơ giới mở sây vào rừng để đốn hạ gỗ

 Khoảng một tháng trước đây, giới lâm tặc “điều” xe cơ giới vào rừng phòng hộ và rừng sản xuất nằm ở địa phận giáp ranh địa bàn giáp ranh hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh để mở đường dài dẫn sâu vào rừng và những đoạn đường rẽ nhánh hai bên rồi huy động nhân lực mang máy cưa vào vào khu vực này đến đốn hạ, cưa xẻ những cây cổ thụ. 

Từ nguồn tin báo của người dân, ngày 7-5 Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) huyện Sông Hinh phối hợp Hạt kiểm lâm, Ban quản lý RPH huyện Tây Hòa kiểm tra và đã phát hiện vụ phá rừng nêu trên.

Hiện trường khu vực này không chỉ có dấu vết của xe cơ giới, xe công nông mà còn có cả dấu tích hàng chục gốc cây đã bị đốn hạ bằng máy cưa, hầu hết là cây dẻ có đường kính 30-40cm thuộc nhóm 3, cây trâm, cây da có đường kính 50-60cm thuộc nhóm 5. Bên cạnh những cây gỗ lâm tặc đã đốn hạ nhưng vứt bỏ vì rỗng ruột là những tấm gỗ ván, gỗ hộp đã được cưa xẻ chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng.

Những khúc gỗ đã bị lâm tặc đốn hạ còn lại ở hiện trường

Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên, hiện trường phá rừng phía huyện Tây Hòa là rừng sản xuất ở tiểu khu 358 thuộc địa phận và trách nhiệm quản lý của UBND xã Sơn Thành Tây. Tại đó lâm tặc san ủi con đường dài 690m, hai bên con đường này có 32 cây gỗ lớn đã bị đốn hạ trơ gốc. Ngoài khối lượng gỗ đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng, tại hiện trường còn lại 10 khúc gỗ tròn với hơn 2,5 m3. Trong khi đó, hiện trường phá rừng phía huyện Sông Hinh là rừng phòng hộ ở tiểu khu 312 thuộc địa phận xã Sông Hinh, trách nhiệm quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh. Tại đó lâm tặc san ủi con đường dài 270m, bên cạnh hàng chục gốc cây to đã bị đốn hạ còn có 44 khúc gỗ tròn với hơn 35m3 chưa kịp chuyển đi.

Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh kiểm tra dấu tích gốc cây đã bị lâm tặc đốn hạ

 Lý giải câu hỏi vì sao lâm tặc mở đường rộng từ 1-2m bằng xe cơ giới rồi đốn hạ hàng chục cây cổ thụ bằng máy cưa khoảng 1 tháng kiểm lâm mới phát hiện ? Ông Nguyễn Văn Toàn – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết, do đây là khu vực rừng giáp ranh giữa hai địa phương nên mỗi cuộc tuần tra đều có sự phối hợp giữa Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) huyện Tây Hòa và Hạt kiểm lâm, Ban quản lý RPH huyện Sông Hinh, rừng rộng, địa hình phức tạp trong khi quân số quá mỏng nhưng phải tuần tra ở nhiều khoảnh rừng nên chậm phát hiện.

Hiện trường kiểm lâm kiểm tra vụ phá rừng cho thấy lâm tặc không chỉ đốn hạ cây gỗ lớn mà còn ngang nhiên xẻ gỗ thành ván để vận chuyển ra khỏi rừng.   Ảnh : CTV

 Ông Lê Văn Bé – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa và Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh đã lập biên bản kiểm tra hiện trường, kiểm đếm, xác định chủng loại, đo đạc khối lượng gỗ thu giữ đồng thời tăng cường kiểm lâm tuần tra kiểm soát ngăn chặn nạn phá rừng tái diễn.

Được biết ngày 9/5, một tổ công tác phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát và Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh đã khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng phòng hộ ở tiểu khu 312 để tiến hành điều tra, truy xét hành tung thủ phạm để xử lý theo quy định pháp luật.


Hữu Toàn
.
.
.