Phát hiện nhiều sai phạm trong khai thác cát ở khu vực hồ Dầu Tiếng
- Tăng cường xử lý vi phạm trong khai thác cát sông
- Bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Luộc
Sở TN-MT đề xuất UBND tỉnh kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, nhằm lập lại trật tự hoạt động khai thác khoáng sản tại đây, tránh gây ảnh hưởng lâu dài đến công trình hồ đập và môi trường nước trong lòng hồ. Ba doanh nghiệp tuy đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa mà đã đi vào hoạt động khai thác cát (tập kết cát vào bến bãi không có giấy phép) là không đúng trình tự thủ tục, vi phạm tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở TN-MT tỉnh kiến nghị phạt mỗi doanh nghiệp 50 triệu đồng và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong lòng hồ trong thời hạn 9 tháng.
Sở TN-MT Tây Ninh đề nghị, UBND tỉnh rút giấy phép một bến thủy nội địa và có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương rút giấy phép 17 bến thủy nội địa (thuộc địa phận tỉnh Bình Dương) do các bến bãi này tuy được cấp phép để chuyên chở hàng hóa nhưng thực chất là để tập kết khoáng sản của nhiều tổ chức, cá nhân khai thác cát lậu trong lòng hồ ở vùng giáp ranh.
Hiện trường các vụ khai thác cát trái phép hồ Dầu Tiếng. |
Bên cạnh đó, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý đối với các tổ chức, cá nhân tự ý lập 2 bến thủy nội địa trong khu vực lòng hồ (thuộc địa phận tỉnh Bình Phước) để chứa cát lậu.
Đối với 82 tàu, thuyền phát hiện có trang bị dụng cụ bơm, hút cát hiện diện trong lòng hồ Dầu Tiếng nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của 18 giấy phép khai thác khoáng sản của ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước (tàu thuyền không có giấy phép đăng ký khai thác khoáng sản), Sở thống nhất phối hợp với ngành chức năng các tỉnh trục xuất ra khỏi lòng hồ để ngăn chặn hoạt động lén lút khai thác cát lậu.
Đồng thời, các tàu, thuyền có đăng ký khai thác khoáng sản bắt buộc phải gắn logo mang đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, số hiệu tàu đã được đăng ký, tọa độ khai thác, để các cơ quan chức năng tiện việc kiểm tra...; phương tiện tàu, thuyền, sà lan bơm hút cát công suất lớn phải được lựa chọn công nghệ phù hợp, để tránh trường hợp trong quá trình hoạt động bơm, xả trực tiếp ra ngoài, gây ảnh hưởng đến nguồn nước (đục nước trên diện rộng).
Theo Giám đốc Sở TN-MT Tây Ninh- Nguyễn Thị Hiếu: Để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong tỉnh và khu vực, khai thác tốt tiềm năng về khoáng sản trong hồ nước Dầu Tiếng, hạn chế bồi lắng hàng năm dưới đáy lòng hồ, 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình phước đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản (cát) trong lòng hồ Dầu Tiếng. Trong đó, Tây Ninh cấp 16 giấy phép, Bình Dương và Bình Phước cấp 2 giấy phép để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy hoạt động này thường xuyên được các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng do địa hình rộng, phức tạp, mặt nước hồ thuộc địa bàn 3 tỉnh nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, do những năm gần đây, mặt hàng cát xây dựng ngày càng khan hiếm, nhu cầu và giá cát lên cao nên nhiều tổ chức, cá nhân tranh thủ khai thác ngày đêm, khai thác quá mức, ngoài phạm vi cho phép; khai thác lậu, phương tiện vận chuyển dày đặc, quá tải... ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ đập và làm người dân bức xúc.
Như Báo CAND đã đưa tin, vào ngày 19-4, một số cơ quan báo chí có đăng bài “Loạn hoạt động khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng”. Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương chỉ đạo kiểm ra, rà soát nội dung phản ánh của báo chí, chấn chỉnh việc cấp phép khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc khai thác cát tại lòng hồ Dầu Tiếng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-8-2018.