Tăng cường xử lý vi phạm trong khai thác cát sông

Chủ Nhật, 17/06/2018, 10:02
Những ngày qua, Công an các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh phát hiện, xử lý hàng loạt phương tiện khai thác cát, vận chuyển trái phép trên sông Hậu, sông Tiền…

Thấy Công an là… nhảy xuống sông trốn

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát sông trái phép nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. 

Nhiều trường hợp bị xử lý nhưng vẫn cố tình tái phạm hoặc khi lực lượng chức năng phát hiện đã nhảy xuống sông bỏ trốn hoặc có thái độ chống đối, thiếu hợp tác…

Nhiều năm nay, người dân xã Long Đức (TP Trà Vinh) liên tục phản ánh hoạt động khai thác cát trái phép trên sông, gây sạt lở nghiêm trọng. Các đối tượng lợi dụng đêm khuya, cho phương tiện lén lút khai thác cát. Công an tỉnh Trà Vinh đã bất ngờ kiểm tra và bắt giữ hàng loạt phương tiện vi phạm. 

Sà lan vận chuyển 300m³ cát nhưng không có hóa đơn hợp lệ bị Công an TP Cần Thơ tạm giữ.

Đêm 16-5, Công an kiểm tra và bắt giữ sà lan BTr-7664 do Lê Văn Hiển (26 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) điều khiển khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên đoạn thuộc thủy phận xã Long Đức. Thời điểm kiểm tra, trên sà lan hút được khoảng 20m3 cát.

Theo đánh giá của lực lượng Công an Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long... tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông diễn ra phức tạp và là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở đất bờ sông gia tăng. 

Theo người dân, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trên sông Cổ Chiên có chiều hướng gia tăng. 

Vào cuối năm 2017, tại cồn Phú Đa một đoạn đê bao ven sông bị sạt lở dài khoảng 50m, chiều sâu sạt lở 8m, bề rộng 10m, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. 

Vì vậy, người dân rất bức xúc với hoạt động khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, các đối tượng vì lợi nhuận vẫn hoạt động, hút trộm cát dưới lòng sông. Từ đầu tháng 5 đến nay, ngành chức năng phát hiện và xử lý hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cổ Chiên, qua khu vực cồn Phú Đa. 

Lần gần nhất vào trưa 15-5, tổ công tác kiểm tra khai khác khoáng sản xã Vĩnh Bình phát hiện 4 sà lan khai thác cát trái phép tại khu vực này. 

Phát hiện bóng dáng Công an, cả 4 sà lan này ngưng hút cát và nổ máy bỏ chạy. Tổ công tác đuổi theo, bắt giữ được một sà lan sắt do Nguyễn Văn Phú (37 tuổi, ngụ Vĩnh Long) điều khiển, lập biên bản xử lý.

Thượng Tá Lưu Thanh Bào, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, hoạt động khai thác cát sông trái phép từng lúc, từng nơi vẫn còn phức tạp. 

Nhiều đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh để khai thác trái phép, chủ yếu vào nửa đêm về sáng. Các đối tượng thuê mướn người cảnh giới ven sông, nơi đang khai thác. 

Khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra, họ rút vòi, cho phương tiện ra khỏi ranh giới của Vĩnh Long hoặc có thái độ chống đối, bất hợp tác. Để bắt giữ các trường hợp khai thác trái phép, các trinh sát phải “canh me” nhiều giờ, nhiều ngày liền.

Thủ đoạn hợp thức hóa cát “lụi”

Trung tá Võ Thanh Toàn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an TP Cần Thơ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố về mở cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát địa bàn, từ ngày 1-6 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra 25 sà lan vận chuyển 10.285m³ cát lưu thông trên sông Hậu.

Qua kiểm tra, nhiều phương tiện xuất trình hoá đơn không hợp lệ với nguồn gốc cát. Quá trình xác minh, lực lượng chức năng phát hiện hoá đơn của sà lan CT-08299 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Sinh (ngụ Cà Mau) điều khiển, chở 300m³ cát là giả, do doanh nghiệp ở An Giang xuất bán. Ngành chức năng tịch thu số cát trên và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Tài công cho biết chỉ là người chở thuê, còn hoá đơn có hợp pháp hay không là do chủ cát. Theo các tài công, lượng cát vận chuyển trên sông Hậu được mua ở An Giang, Đồng Tháp với giá khoảng 60.000 đồng/m3, đưa về các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau… bán lại cho các đại lý.

Qua các vụ việc được Công an TP Cần Thơ kiểm tra, bắt giữ cho thấy, số lượng thực tế cát vận chuyển trên các sà lan nhiều hơn so với hóa đơn xuất bán. Nhiều nơi, khi bán cát tại mỏ nhưng doanh nghiệp được phép khai thác không xuất hoá đơn. 

Chủ mua cát hoặc chủ sà lan phải tìm mua hoá đơn hợp thức số cát đang vận chuyển do các doanh nghiệp tại miền Tây hoặc TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai xuất bán khống. 

Công an TP Cần Thơ đã xác minh, phát hiện doanh nghiệp xuất hóa đơn nhưng trên sổ sách không có đầu vào hợp pháp theo hóa đơn đã xuất. Tài công vận chuyển khai đã mua cát ở An Giang nhưng hóa đơn do doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh xuất hoặc doanh nghiệp xuất hóa đơn lại không có giấy phép khai thác mỏ... 

Các doanh nghiệp, chủ phương tiện sử dụng hóa đơn này để hợp thức hóa cát được khai thác trái phép tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp chở đi nơi khác. 

Tại Đồng Tháp, Công an kiểm tra phát hiện một số chủ đầu tư dự án được cấp phép khai thác cát cố tình vi phạm như: nạo vét ra ngoài giới hạn cho phép, không ghi đầy đủ nhật ký hoạt động, gian lận khối lượng khai thác.

Như Anh
.
.
.