Nhà ống và hiểm họa khi xảy ra cháy nổ

Thứ Sáu, 07/10/2016, 09:50
Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM từng khuyến cáo, dạng nhà ống vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh không chỉ tồn tại tại TP HCM mà ở nhiều khu đô thị khác. Với dạng nhà chứa nhiều hàng hóa như thế này thì nguy cơ cháy nổ dẫn đến thiệt hại về tài sản và tính mạng rất cao.



Không chỉ đến khi vụ cháy tại cửa hàng dịch vụ cưới hỏi trọn gói Gia Định 3 (số 1/117 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh) khiến cả gia đình gồm anh Trịnh Ngọc Tin (34 tuổi), chị Nguyễn Phương Thùy (30 tuổi, vợ anh Tin) và con gái Trịnh Bảo Nhi (2 tuổi) thiệt mạng, chúng tôi mới có bài phản ánh về tình trạng kinh doanh trong nhà ống chứa nhiều hàng hóa chỉ có một lối thoát hiểm, khi cháy dễ bị thiệt mạng. 

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt vụ cháy các cửa hàng kinh doanh khiến nhiều người tử vong như: rạng sáng 10-6, vụ cháy tại cửa hàng bán dụng cụ điện ở số 423 đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, khiến 4 người tử vong; cháy nhà kinh doanh mặt hàng dụng cụ làm tóc rạng sáng 16-9-2015 trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 khiến 7 người tử vong; cháy tiệm tạp hóa Phượng Hoàng trên đường Hậu Giang, quận 6 rạng sáng 17-4 khiến 2 người tử vong…

Hiện trường vụ cháy nhà ống tại TP Hồ Chí Minh làm 3 người chết.

Điểm chung của những vụ cháy này đều xảy ra vào lúc rạng sáng, tất cả những căn nhà này đều kinh doanh hàng hóa và đều là… nhà ống. Khi xảy ra hỏa hoạn, đa phần các nạn nhân đều đang chìm sâu trong giấc ngủ, phản ứng không được nhanh nhạy… dẫn đến tử vong do bị ngạt. 

Mặt khác, bên trong hiện trường của những căn nhà kinh doanh bị hỏa hoạn này đều có thêm một điểm, hàng hóa dễ cháy chất ngổn ngang, nhà có nhiều vật liệu làm vách ngăn dễ cháy và chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm. Trong khi đó, lối thoát hiểm này được khóa kiên cố, có đến 2-3 lớp cửa…

Theo các chuyên gia phân tích, loại nhà ống đa phần chỉ có một cửa thoát hiểm phía trước (nhà trệt) lại được gắn 2-3 lớp cửa, nhà ống dạng nhiều tầng thì gần đây thường bị bít hết lối thoát hiểm trên lầu là do chủ nhà tận dụng cho thuê gắn biển quảng cáo thu thêm lợi nhuận. 

Ngoài ra, để đề phòng trộm cắp, nhiều chủ nhân những căn nhà ống còn gắn các khung sắt vây kín căn nhà, khóa bằng các loại khóa đa năng nên khi xảy ra hỏa hoạn khó có thể phá cửa để thoát ra ngoài. Riêng những căn nhà tận dụng cho thuê kinh doanh các dịch vụ như tiệm tạp hóa, cửa hàng, dịch vụ cưới hỏi… hàng hóa chất đầy trong nhà, lối đi chỉ còn lại khoảng nhỏ mà người trong nhà phải men theo hàng hóa mới đi được vào bên trong. Nếu xảy ra cháy, những hàng hóa này đổ ngã bít hết lối thoát hiểm.

Nhiều lần theo đoàn công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại những điểm buôn bán nhỏ, chúng tôi ghi nhận, hệ thống điện trong các tiệm kinh doanh, cơ sở nhỏ được giăng mắc một cách vô tội vạ, nằm chồng lên hàng hóa. Vì vậy, đa phần các vụ cháy diễn ra trong thời gian gần đây đều có sự cố do chập điện.

Thực tế cho thấy, phần lớn nạn nhân chết ngạt do thiếu oxy và bị nhiễm độc của sản phẩm cháy trước khi bị bỏng và cháy. Trường hợp không thể bố trí được lối thoát phía sau thì chủ nhà phải thiết kế lối thoát lên phía trên sân thượng hoặc lên mái nhà để thoát xuống đất hoặc thoát qua mái nhà kế bên. Trên sân thượng hoặc trên mái cần bố trí thang, thang dây, dây cứu hộ hoặc các phương tiện khác để thoát nạn xuống phía dưới. Với các nhà có sử dụng cửa cuốn, ngoài chế độ tự động bằng điện phải có chế độ sử dụng bằng tay để mở cửa.

Trong những vụ cháy tại TP Hồ Chí Minh gần đây, đặc biệt là những vụ cháy nhà dạng ống vừa là nơi ở, sinh hoạt vừa là nơi kinh doanh khiến nhiều người tử vong, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh từng khuyến cáo, dạng nhà ống vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh không chỉ tồn tại tại TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều khu đô thị khác. Với dạng nhà chứa nhiều hàng hóa như thế này thì nguy cơ cháy nổ dẫn đến thiệt hại về tài sản và tính mạng rất cao. 

Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã liên tục khuyến cáo người dân, thực hiện nhiều cuộc diễn tập PCCC tại các khu dân cư, hộ kinh doanh để người dân rút kinh nghiệm nhưng dường như ý thức chấp hành của người dân còn quá thấp. Khi xảy ra sự cố, đám cháy lan rất nhanh, tỏa khói nhiều và trong một vùng cháy như vậy sẽ phát sinh rất nhiều chất độc hại do sản phẩm cháy sinh ra. Do đó, nếu không có các lối thoát hiểm (cửa hậu, ban công, mái nhà...), nạn nhân không bình tĩnh để hướng về điểm thoát hiểm thì rất dễ dẫn đến tử vong. 

Vì vậy, đối với các hộ kinh doanh tại các căn nhà dạng ống ít lối thoát hiểm cần phải sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt phải gọn gàng, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, không sắp xếp hàng hóa trên hành lang, cầu thang, lối thoát hiểm. Kiểm tra hệ thống điện và phải có lối thoát hiểm dự phòng thông thoáng tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

M.Đức
.
.
.