Từ vụ cháy nhà ở Hoàng Mai khiến 5 người thiệt mạng:

Làm thế nào thoát hiểm khi cháy nhà ống trong khu dân cư?

Thứ Bảy, 13/06/2015, 09:04
Nếu ngôi nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì lập tức chúng ta phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói lan vào phòng...
Trưa 12/6, tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chứng kiến cảnh tượng 4 chiếc quan tài (cháu bé được đưa vào chung cùng mẹ) cùng 5 di ảnh của các nạn nhân trong một gia đình tử vong sau vụ cháy nhà xảy ra rạng sáng 11/6 trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) xếp thành hàng trong nhà tang lễ cùng tiếng nhạc hòa lẫn tiếng khóc nấc lịm của người thân, bàn bè, bà con lối xóm của các nạn nhân, không ai cầm được nước mắt.

Chết lặng nhìn di ảnh 5 người thân bên 4 cỗ quan tài

Túc trực bên 4 chiếc quan tài, thất thần và cảm giác bất lực vì không cứu được cha mẹ, cháu bé 8 tháng tuổi cùng vợ chồng người em, anh Chung, người con cả may mắn thoát nạn như chết lặng. Trong suốt lễ tang, anh Chung luôn cúi mặt xuống, gắng gượng vượt qua nỗi đau.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lợi (anh rể ông Sơn) buồn bã kể lại, sáng sớm hôm 11/6, gia đình ông nhận được tin báo gia đình ông Sơn gặp nạn nên tức tốc bắt xe ra Hà Nội. Vừa đi, ai nấy trong gia đình vừa khóc trước thảm họa bất ngờ ập xuống... Tâm trạng thật không dễ gì dùng lời mà tả hết được sự đau lòng... Ra đến nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, họ càng đau lòng hơn khi chứng kiến thi thể của người thân trong gia đình bị cháy sém.

Ông Lợi cho biết thêm, vợ chồng ông Sơn quê gốc ở TP Nam Định nhưng chuyển về Hà Nội sinh sống từ nhiều năm nay. Ông Sơn có 3 người con, 1 gái, 2 trai. Ông Sơn vốn là thợ mộc, bà Lý làm thợ xây, không có lương hưu nên kinh tế gia đình cũng eo hẹp vì tất cả đều phải dựa vào sức lao động chân tay. Ngoại trừ cô con gái đi lấy chồng và sinh sống ở nơi khác, 2 người con trai cùng vợ và các con đều sinh sống với vợ chồng ông Sơn trong căn nhà chưa đầy 20m2 sàn ấy.

“Khi các cháu nay đã khôn lớn, kinh tế cũng gọi là khấm khá lên thì tai họa lại ập đến. Cuộc đời ông Sơn, bà Lý chưa được hưởng trọn niềm vui...”, trong nước mắt, ông Lợi chia sẻ.

Hiện trường vụ cháy.

Chị Nguyễn Thị Hoa (hàng xóm), người kêu gọi ủng hộ tiền vào thùng xốp (đặt ở ngõ) giúp đỡ gia đình nạn nhân, cũng là người có mặt từ rất sớm tại nhà tang lễ. Chị Hoa tâm sự: “Thương lắm, bà con lối xóm không ai bảo ai tự phân chia mỗi người một việc lo hậu sự chu toàn cho gia đình ông Sơn. “Thùng tiền tự phát” đặt ở đầu ngõ, luôn cắt cử người trông. Tiền ủng hộ không nhiều nhưng cũng là tấm lòng của mọi người”.

Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan, đoàn thể của quận Hoàng Mai đã có mặt để phối hợp giải quyết. Việc ma chay cho các nạn nhân cũng được UBND TP Hà Nội và UBND phường Tương Mai (Hoàng Mai) chịu trách nhiệm.

Cần kỹ năng để thoát hiểm khi xảy ra cháy nhà ống trong đô thị

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Tô Xuân Thiều, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết: Đa phần nhà ở trong đô thị TP Hà Nội đều theo dạng hình ống. Nhà ống thường xây dựng với một lối thoát duy nhất, cho nên nguy cơ cháy nhà trong đô thị gây thiệt hại lớn về người là rất cao. Nếu người dân được trang bị kiến thức thoát nạn trong hoàn cảnh cháy nhà tương tự như vừa qua, có lẽ hậu quả đã không đau đớn đến vậy!

Nhìn lại vụ cháy rạng sáng 11/6, 3 chiếc xe máy được dựng sát cửa ra vào chính đã khóa chặt, khi bốc cháy khiến những người trong nhà không thể thoát ra ngoài. Trong khi lượng khói và nhiệt tỏa ra rất nhiều. Tại hiện trường lửa không hề bén vào hai phòng ngủ ở tầng 2 và tầng 3, bên trong chỉ bị ám khói. Đây là hiện tượng thường thấy của nhà ống trong khu đô thị, vì lửa và khói sẽ đẩy mạnh theo cầu thang cuốn từ tầng 1 lên tầng 4, theo đó, cầu thang và tầng tum sẽ là những nơi nguy hiểm nhất.

Trong trường hợp tương tự, sau khi phát hiện ra cháy, cách tốt nhất là người dân nên tìm đường thoát hiểm phía đằng trước ngôi nhà như ban công, đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra, tự thoát nạn hoặc chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.

Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn nhà cao tầng. Ảnh minh họa.

Nếu ngôi nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì lập tức chúng ta phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói lan vào phòng; lập tức tìm kiếm nơi trú ẩn trong phòng, dùng khăn thấm ướt phủ đầu và gọi điện cho lực lượng chức năng giải cứu...

Đại tá Tô Xuân Thiều, Giám đốc PC&CC TP Hà Nội nhấn mạnh: Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.

Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; Xem xét lại hệ thống điện trong nhà, thường xuyên kiểm tra từ đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, aptomat. Kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện không để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…

Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ.

Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi; trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khoá.

Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nếu cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.

Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Trao đổi với chúng tôi ngày 12/6, Công an quận Hoàng Mai cho biết: Hiện trường ban đầu cho thấy nhiều khả năng vào đêm xảy ra hỏa hoạn, ngoài ông Sơn ở tầng 1, 9 người trong gia đình này ngủ tại tầng 2, 3, tất cả đều đóng cửa, bật điều hòa nên không phát hiện sớm hỏa hoạn. Chỉ đến khi những người hàng xóm ngửi thấy mùi khét thì gia đình mới biết.

Công tác khám nghiệm hiện trường đã kết thúc hồi 10h cùng ngày, hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cháy nhưng đánh giá ban đầu việc xảy ra cháy xuất phát từ việc chập điện của quạt điện treo tường tại tầng 1 ngôi nhà dẫn đến cháy lan sau đó.

M.Hiền – X.Mai – T.Xuân
.
.
.