Làng nghề nung vôi ô nhiễm trầm trọng
- Thừa Thiên - Huế: Đầm Chuồn “kêu cứu” do ô nhiễm từ rác thải
- Lò đốt rác thải y tế gây ô nhiễm môi trường
- Lò vôi hoạt động "chui": Đừng để vỡ bát mới kê cầu ao
Thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một trong những “thủ phủ” lò vôi thủ công lớn nhất cả nước. Hàng ngày, mỗi lò vôi sản xuất gần 10 tấn sản phẩm. Nhiều năm qua, người dân địa phương phải sống chung với khói bụi, khí phát thải từ các lò nung vôi nằm sát khu dân cư. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, việc xử lý dứt điểm các lò vôi đang gặp nhiều khó khăn.
Quá nửa hộ gia đình bỏ chạy khỏi làng
Nghề nung vôi tại khu cầu Nghìn hình thành từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Những năm 1989 - 1990, Xí nghiệp Vôi cầu Nghìn giải thể, chuyển đổi cho hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh vôi. Từ đó, một số hộ gia đình xây dựng và phát triển lượng lò vôi và kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài.
Xuất phát từ mô hình sản xuất vôi truyền thống, ngày 18-8-2004, UBND tỉnh Thái Bình công nhận khu cầu Nghìn là “Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng”. Đến nay, tại thị trấn An Bài hiện có 64 lò vôi của 30 hộ sản xuất vôi kết hợp với kinh doanh vật liệu xây dựng trên diện tích hơn 108.000m². Các lò vôi xây dựng tại cầu Nghìn là loại lò liên hoàn, xây dựng từ năm 1993 đến 2003.
Trong số 64 lò vôi đang hoạt động, có 42 lò loại 1 (từ 2 ống lò trở lên) và 22 lò vôi loại 2 (có 1 ống lò). Do nhu cầu sử dụng vôi tăng, từ năm 2010 đến nay, người dân trong khu vực đua nhau mở rộng sản xuất để xuất khẩu sang các nước Đài Loan, Hàn Quốc…
Trong số 64 lò vôi, có 25 lò vôi của 15 hộ sản xuất nằm trong đất ở khu dân cư và hành lang bảo vệ cầu, đường quốc lộ 10, vi phạm luật đê điều, có 4/30 cơ sở sản xuất vôi có thủ tục về môi trường...
Năm 2012, UBND thị trấn An Bài lập quy hoạch 19 ha khu kinh doanh vật liệu xây dựng, bến bãi được Sở Xây dựng Thái Bình nhất trí và UBND huyện Quỳnh Phụ phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất, các lò vôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người lao động và người dân trong khu vực. Các lò vôi sản xuất tự phát, không có hệ thống xử lý khói bụi, không được che chắn, nằm ngay khu dân cư.
Các lò vôi tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. |
Tháng 8-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình tiến hành lấy mẫu quan trắc tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn. Kết quả cho thấy, chỉ số bụi đã vượt từ 1,6 đến 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Mẫu không khí xung quanh khu vực ở cả vị trí đầu và cuối hướng gió chỉ số bụi vượt 1,97 đến 3,17 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT.
Trước đây, tổ dân phố 12, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ có 120 hộ dân. Do không chịu được khói bụi do ô nhiễm môi trường, 70 hộ dân chuyển đi nơi khác sinh sống.
Ông Phạm Văn Hoàn, 57 tuổi, chủ của hàng ăn tại chân cầu Nghìn, thị trấn An Bài cho biết, môi trường sống tại đây rất ngột ngạt do khói bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của nhân dân. Hằng ngày, tôi thường xuyên quét dọn bụi nhưng vừa quét xong lại bẩn. Ngoài ra, người dân một số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, giáp ranh với thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cho biết: Năm 2013, Bộ Xây dựng có Công văn số 2135 về việc dừng cấp phép xây dựng lò sản xuất vôi thủ công. Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình cùng các sở, ngành liên quan có văn bản chỉ đạo dừng hẳn việc cho phép đầu tư xây dựng các dự án sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn.
Ngày 27-4-2015, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 507 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi tự phát, thủ công không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Theo lộ trình, đến hết năm 2016, sẽ xóa bỏ 25 lò vôi nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, quốc lộ 10; hết năm 2020 sẽ xóa bỏ 39 lò vôi còn lại. Tuy nhiên, đến nay, chưa có lò vôi nào được xóa bỏ do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong thời gian chờ UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đề án, các lò vôi vẫn hoạt động. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND thị trấn An Bài tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo đảm môi trường, an toàn lao động; chỉ đạo các hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường như: dùng tôn, lưới, bạt che chắn khu vực sản xuất, phun nước tưới sân, bãi quanh khu vực lò, khu vực sàng lọc xỉ ngày 4 lần; khi xe xuất bến phải che chắn, đậy phủ bạt kín, chở đúng trọng tải không để rơi vãi vật liệu trên đường.
Qua khảo sát, vốn đầu tư xây dựng lò vôi của 30 hộ sản xuất khoảng hơn 182 tỷ đồng. Theo thống kê, doanh thu của 64 lò vôi khoảng từ 175 đến 235 tỷ đồng/năm; trung bình từ 2,8 đến 3,6 tỷ đồng/lò/năm. Ngoài ra, 64 lò vôi của 30 hộ dân tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động tại địa phương và các xã lân cận, với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Vấn đề cơ cấu, chuyển đổi nghề cho trên 1.600 lao động, chủ yếu là lao động tự do, lớn tuổi hiện chưa tìm hướng giải quyết, phải chờ chỉ đạo của cấp trên. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình cần sớm có biện pháp giải quyết, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực lò vôi, có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân cần nêu cao ý thức chấp hành chủ trương này, bảo đảm ổn định cuộc sống và tình hình tại địa phương.