Thượng tá Công an bày kỹ năng thoát hiểm nhà ống khi có hỏa hoạn

Thứ Ba, 14/03/2017, 17:22
Những ngôi nhà “không lối thoát”, những nạn nhân thiếu kỹ năng thoát nạn, những thiết bị không đảm bảo an toàn phòng cháy… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng. Câu chuyện phòng trộm quên phòng cháy một lần nữa được nhắc lại


Vẫn chuyện nhà "không lối thoát"

Chỉ trong 2 tháng sau Tết đã xảy ra 2 vụ cháy nghiêm trọng mà mỗi vụ có tới 4 người trong một gia đình bị tử vong. Sáng 12-3, người dân TP Hồ Chí Minh đau xót trước thông tin 4 người trong một gia đình tử vong do cháy căn phòng trọ trong đêm ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Vợ, 2 con và em vợ anh Huỳnh Văn Hiến quê ở Quảng Ngãi không thể thoát ra ngoài lúc đám cháy bùng lên. 

Khi hàng xóm phát hiện có ngọn lửa trong ngôi nhà, nghe tiếng kêu cứu đã tìm mọi cách phá cửa cứu người. Tuy nhiên, cửa ngoài khóa, căn nhà không còn lối thoát nào khác nên mọi nỗ lực cứu chữa bất thành. Trong nhà để xe máy và nhiều vật liệu dễ cháy, cửa ra vào là lối thoát hiểm duy nhất nên 4 người ngủ trong nhà không có cách nào chạy ra ngoài được. 

Người chồng thoát nạn vì không có nhà, nhưng anh đã khóa cửa ngoài trước khi đi. Đó là nguyên nhân gây khó khăn cho việc thoát nạn. Cả gia đình này trước đó đã không lường được tình huống xảy ra cháy nên mới có chuyện khóa cửa ngoài để anh Hiến khi về nhà không phải gọi người ra mở cửa. Tìm nguyên nhân gây cháy, cơ quan công an nghiêng về giả thiết do sự cố xe gắn máy để ở tầng trệt, khi cháy đã bén vào vật liệu dễ cháy là gỗ ép. Tuy nhiên, cũng còn một số nghi vấn khác liên quan đến chập điện đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ.

Người dân phá cửa nhưng không kịp cứu người trong vụ cháy ngày 12-3 ở TP Hồ Chí Minh

Cách đây chưa đầy 1 tháng, vào rạng sáng 26-2, tại một căn nhà ở khu phố 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã xảy ra cháy làm 4 người tử vong. 4 người đều là thành viên trong gia đình, gồm vợ chồng ông Hồ Hồng Điệp cùng 2 con nhỏ quê ở Vĩnh Long. 

Căn nhà chỉ có một cửa vào duy nhất nhưng cửa lại được khóa chặt. Bên trong nhà có gác xép nhưng không có cửa hậu. Sau khi phát hiện có cháy, người dân dùng búa tạ phá khóa. Phải mất thời gian khá lâu mới phá được khóa. Cửa mở thì cũng là lúc những nạn nhân bên trong đã tử vong. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do chập điện.

2 vụ cháy để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đều xảy ra trong đêm và cùng được đưa ra giả thiết nguyên nhân cháy do chập điện. Đặc điểm chung của 2 vụ việc là hiện trường khá giống nhau, cùng có một lối thoát hiểm duy nhất là cửa ra vào, cùng cửa bị khóa chặt, chặn đường thoát hiểm. Khi có cháy, chỉ riêng khói từ các vật liệu dễ cháy, đồ dùng trong nhà cũng đủ để người bên trong tử vong do ngạt khí.

Một vụ việc khác ở Hải Phòng xảy ra cách đây vài năm. Có lẽ người dân vẫn chưa quên vụ cháy kinh hoàng ở một cơ sở sản xuất giày làm 13 người chết và hơn 20 người bị thương. Cơ sở này chứa đầy vật liệu dễ cháy và cũng chỉ có một lối ra duy nhất. Thế nên khi ngọn lửa bùng phát ở cửa đã chặn đường ra của các công nhân. Người dân bên ngoài cố gắng phá tường phía sau để cứu người, nhưng do tường chắc, lại được gia cố bằng sắt nên khi phá được tường thì nhiều người đã tử vong.

Lơ là phòng cháy

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ cháy không cứu được người và tài sản đều xảy ra ở những ngôi nhà ống, nhà không có lối thoát hiểm. Tại các thành phố lớn, để phòng trộm, người dân thường làm khung sắt (thường được gọi là chuồng cọp), hàn cố định thật chắc chắn để đảm bảo trộm không thể xâm nhập được. Và, cách chống trộm này chính là nguyên nhân khiến cho người bên trong nhà bị nhốt chặt mà không thể thoát ra.

Ở Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, có tới khoảng 90% nhà dân là nhà ống, không có đường thoát nạn, phố nhỏ, ngõ nhỏ, khả năng tiếp cận chữa cháy khó. Do diện tích ở chật hẹp nên hầu hết các nhà này đều để xe máy ở tầng 1, nhà bếp. Khi cháy tạo ra khí độc hút lên tầng trên. Người dân sẽ bị ngạt khí trước khi lửa lan đến. Đó là còn chưa kể đến hệ thống điện cũ kỹ, dễ chập cháy…

Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa, cách PCCC một cách khá bài bản. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người dân, doanh nghiệp và một số cơ quan tổ chức còn lơ là, chủ quan trong PCCC. 

Có nhiều nguyên nhân gây cháy như: Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện thiếu an toàn; để chất dễ cháy gần nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, phổ biến là các gia đình sản xuất, kinh doanh, buôn bán tại gia, hàng hóa chất đầy nhà, chèn lên cả ổ cắm, dây dẫn điện…Đa số vụ cháy có nguyên nhân do chập điện xảy ra vào ban đêm, âm ỉ trong thời gian dài. Khi phát hiện cháy thì đám cháy đã lan to, phát sinh nhiều khí độc, khó cứu chữa.

Thượng tá Đỗ Thanh Hải nói về giải pháp phòng ngừa nguy cơ cháy: 

“Mỗi gia đình cần nâng cao ý thức phòng cháy cho từng thành viên. Trước khi ngủ phải sàng lọc nguyên nhân gây cháy để phòng ngừa. Cách sàng lọc cụ thể như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết (rút phích điện ra khỏi ổ cắm), tuyệt đối không cắm sạc pin xe đạp điện, điện thoại, bếp điện… qua đêm; khóa bình gas, tắt công tắc điện xe máy, kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng… Các gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị báo rò rỉ gas, mặt nạ lọc độc, các thiết chữa cháy tại chỗ… Điều quan trọng, mỗi gia đình cần phải có nhiều phương án thoát hiểm (lối chính, lối phụ, lối qua mái, qua ban công, cửa sổ…sang nhà bên… và được phổ biến đến các thành viên gia đình; thống nhất nơi để chìa khóa dễ lấy sau khi khóa; chuẩn bị thiết bị phá dỡ, phá khóa mở lối thoát nạn khi cần thiết; đối với nhà làm khung sắt ở ban công thì không hàn cố định mà phải có cửa sắt mở được và để chìa khóa ở nơi dễ lấy…”.


Việt Hà
.
.
.