Khu đô thị Tân Phú với 43ha đất công vào tay tư nhân

Thứ Bảy, 11/04/2020, 17:09
Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can trong vụ liên quan tới chuyển nhượng đất, vốn góp của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú, việc nhìn nhận, đánh giá trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như phương án giải quyết vụ việc, kể cả việc hàng trăm khách hàng đã chuyển tiền góp vốn vào dự án này, vẫn còn đang bỏ ngỏ…


Bước đầu Cơ quan điều tra xác định các bị can Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT; Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc và Huỳnh Thanh Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc (cho tại ngoại),  vi phạm khi chuyển nhượng đất, vốn góp, bán khu đất công 43ha của dự án Khu đô thị - Thương mại – dịch vụ Tân Phú (khu đô thị Tân Phú, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho Kim Oanh Group với giá rẻ gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Các bị can Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải.

Tổng công ty Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng khu đô thị Tân Phú trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương rộng hơn 567 ha. Nhưng Tổng công ty Bình Dương lại không thực hiện mà bằng các “thủ thuật” để bán toàn bộ khu “đất vàng” nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất của TP Thủ Dầu Một về tay tư nhân với giá rẻ không tưởng.

Theo đó, để thực hiện kế hoạch bán khu đất vàng trên, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án trên khu đất 43 ha này. 

Trong đó, Tổng công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Lãnh đạo Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 43ha đất của dự án này cho Công ty Tân Phú với giá chuyển nhượng chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương với giá hơn 581.653 đồng/m2. Việc chuyển nhượng này không thông qua một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Sau khi chuyển nhượng 43 ha đất công từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang một công ty liên doanh chỉ có 30% vốn Nhà nước, “liên minh” này tiếp tục dùng những “chiêu trò” để hoàn tất việc thâu tóm đất công. 

Ngày 13/3/2017, lấy lý do cần tập trung nguồn vốn cho nhiều dự án lớn khác, Tổng công ty Bình Dương có công văn số 39/TCTY gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin chuyển nhượng toàn bộ 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú. 

Ngày 2/8/2017, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc với giá hơn 161,1 tỷ đồng. Đến đây, toàn bộ 43 ha đất công đã hoàn toàn bị “hóa kiếp” thành tài sản riêng của công ty tư nhân.

Chủ đầu tư Khu đô thị Tân Phú có dấu hiệu huy động vốn trái phép dưới hình thức góp vốn...

Đáng chú ý, ngay sau khi thâu tóm thành công 43 ha đất công với giá rẻ, cơ cấu cổ đông của Công ty Tân Phú cũng nhanh chóng có nhiều biến động. 

Ngày 29/6/2018, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6 thì thông tin chủ sở hữu của Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group).

Tuy nhiên, lúc này với dự án Khu đô thị Tân Phú, ba đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), Công ty Cổ phần Xây dựng An Phước Bình Dương (thi công hạ tầng) và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh (phân phối độc quyền).

Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú cung cấp cho thị trường hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Tuy nhiên, sau khi Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.

Điều đáng nói, sau khi làm lễ khởi công, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “hợp đồng vay tiền” thông qua Công ty Nam Kim là công ty con của Công ty Kim Oana. 

Điển hình như bà N.T.T đã nộp vào tài khoản Công ty Tân Phú số tiền 1,6 tỷ đồng vào ngày 4/7/2018 với mục đích là “góp vốn dự án Tân Phú”. Hay bà H.T.N.H chuyển khoản “góp vốn dự án 43ha Tân Phú” cho Công ty Tân Phú với số tiền gần 1,4 tỷ đồng vào ngày 6/7/2018. Cũng trong ngày 6/7/2018, bà N.T.T.T “chuyển tiền cọc hợp đồng 10 lô dự án 43ha tại Tân Phú” với số tiền 500 triệu đồng. 

Tương tự, ngày 18/1/2019, bà N.T.D.C chuyển cho Công ty Tân Phú số tiền 500 triệu đồng với nội dung “góp vốn theo hợp đồng số 490/2019/HDVT/TANPHU”…

Theo tài liệu, chỉ tính từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…

Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 1/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng. Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh. 

Bên B đồng ý dành cho bên A quyền chọn mua sản phẩm với các chính sách ưu đãi của bên B tại thời điểm công bố chính thức “quyền chọn” khi dự án đáp ứng các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật”. Đã có 7 ô đất được giao dịch với các mã sản phẩm là nhà liền kề ở vị trí lô LK 22a, đường DO và N5 – DO với tổng diện tích lên đến 856m2. Với giao dịch này có thể thấy được 7 ô đất này được bán với giá hơn 43,2 triệu đồng/m2. 

Không chỉ dừng ở đó, ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng giám đốc đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, với thời hạn 5 năm (từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2024). Ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh (Tổng giám đốc Kim Oanh Group) và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung…

Theo Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, Cơ quan điều tra khẳng định trong việc chuyển nhượng 43ha đất này, Tổng công ty Bình Dương thực hiện không đúng về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát trên 126,8 tỷ đồng so với bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương quy định tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định việc mua phần vốn góp của Công ty Kim Oanh là chưa phù hợp với quy định pháp luật đất đai. 

Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chưa chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đô thị Tân Phú mà chủ sở hữu là Công ty Kim Oanh. Công ty Kim Oanh (chủ sở hữu của Công ty Tân Phú) chưa có tài sản đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư giá trị quyền sử dụng đất là trái quy định pháp luật.


Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.