Khách hàng lo lắng sau sự cố lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt

Thứ Năm, 19/09/2019, 16:21
Trước thông tin Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (viết tắt Công ty Alibaba) và bắt lãnh đạo của công ty. Ngày 19-9, hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở chính Công ty Alibaba (tọa lạc số 120 – 122, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nhiều chi nhánh khác để được nghe giải thích từ chính công ty này.

Các nhân viên công ty “căng mình” giải thích cho các khách hàng

Khoảng 9h30’ cùng ngày, chúng tôi đã tìm đến trụ sở chính Công ty Alibaba. Công ty Alibaba vẫn hoạt động bình thường như thường lệ. Nhân viên bảo vệ nói nhanh rằng, “Hôm nay, chúng em cực hơn ngày thường, vì có rất nhiều khách hàng không yên tâm sau sự cố lãnh đạo công ty bị bắt. Từ sáng đến giờ, từ nhân viên bán hàng, bảo vệ, giữ xe phải vất vả khi tiếp xúc với lượng khách hàng lớn”.

Thấy chúng tôi, một nữ khách hàng N. cầm tờ giấy ký kết với Công ty Alibaba, lo lắng: “Hợp đồng của em chưa đến hạn trả lãi. Đọc báo hay thông tin Công an bắt lãnh đạo Công ty Alibaba, em sợ mình mất hết vốn. Em đã đâu tư gần một tỷ đồng để góp vốn mua đất của công ty ở Đồng Nai. Số tiền này em phải vay nợ anh chị em ruột trong gia đình và bị họ liên tục chửi bới. Do lo lắng, chồng em yêu cầu phải đến ngay trụ sở chính Công ty Alibaba liên hệ rút vốn. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng công ty giải thích khách hàng chưa đến ngày nhận trả lãi nên chưa được nhận tiền. Còn trường hợp muốn rút hết vốn về thì họ nói để báo cáo cấp trên”.

Tủ trưng bày sách và vật lưu niệm của Nguyễn Thái Luyện

Sau đó, chúng tôi được nữ tiếp tân của Công ty Alibaba mời ngồi chờ bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo Công ty Alibaba với lý do, khách hàng đến đông nên từ lãnh đạo đến nhân viên phải căng mình giải thích, thuyết phục để họ hiểu rõ tình hình hoạt động, chủ trương giải quyết của công ty sau sự cố. Chúng tôi ghị nhận, phần lớn khách hàng đều đến gặp chính nhân viên đã giới thiệu bán sản phẩm cho họ. Một số khách hàng lớn tiếng hay mua sản phẩm từ các chi nhánh đến đã được bà Như gặp mặt trực tiếp để trao đổi.

Trò chuyện với chúng tôi, khách hàng tên V. (ngụ TP Hồ Chí Minh), bức xúc: “Tôi đầu tư ở Công ty Alibaba hơn 2 năm qua với hàng chục lô đất trị giá hàng tỷ đồng. Đến nay, tôi chỉ còn đầu tư có 10 lô đất ở TP Bà Rịa. Do biết được công ty này lừa đảo sớm, nên tôi đã rút dần vốn. Sau khi hay tin lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, tôi không ngạc nhiên. Chỉ lo số vốn còn lại không biết về đâu khi tài khoản của công ty này bị cơ quan chức năng phong tỏa. Tôi cứ nghĩ công ty sẽ đóng cửa, nào ngờ họ vẫn hoạt động bình thường. Thấy tôi, các nhân viên bán hàng liên tục thay nhau lý giải, trấn an khách hàng, mà hoàn toàn không đưa ra được lý do thuyết phục. Tôi sẽ ra Công an quận Thủ Đức để tố cáo hành vi lừa đảo của công ty này”.

Còn chị Nguyễn Thị Yến Phi (32 tuổi, nhân viên Công ty Alibaba), bày tỏ: “Chúng em vẫn đến công ty làm việc là vì trách nhiệm với các khách hàng. Mình không thể bỏ mặc họ. Với các khách hàng, nhân viên đều giải thích, trấn an họ để hiểu rõ tình hình hoạt động của công ty sau biến cố. Em có 3 khách hàng với 15 lô đất (mỗi lô đầu tư hơn 300 triệu đồng). Từ chiều hôm qua, trước khi cơ quan thông tin báo chí đưa thông tin bắt lãnh đạo công ty, em đã gửi thông tin, hình ảnh và khuyên nhủ họ nên yên tâm. Nếu công ty em không có tiền trả nợ, em sẽ kiếm tiền trả nợ cho họ. Công ty Alibaba luôn quan tâm đến từng nhân viên…”.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, bà Huỳnh Thị Ngọc Như đã có mặt tiếp xúc với phóng viên. Bà Như, cho biết: “Từ sáng đến giờ, anh quan sát cũng đã thấy lãnh đạo và các nhân viên luôn phải thường trực, tất bật để tiếp khách hàng, giải thích tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Tôi đang phụ trách công ty. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thành viên chủ chốt khác của Công ty Alibaba mà cần phải lấy ý kiến của họ. Do vậy, tôi sẽ trao đổi với họ rồi sẽ phản hồi sau”.

Đức Mừng-Văn Hào
.
.
.