Đường tránh 250 tỷ đồng mới hoàn thành… đã hư hỏng

Thứ Bảy, 07/09/2019, 22:56
Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai vừa hoàn thành được 3 tháng đã bị lún sâu, mặt đường rách toạc với hàng trăm vết nứt nham nhở chỉ sau một trận mưa...


Được khởi công từ giữa tháng 5-2018, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê (Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8km. 

Dự án do nhà thầu thi công Công ty CP 471 có địa chỉ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An đảm nhiệm. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần giảm áp lực lưu lượng xe, kéo giảm tai nạn giao thông khi xe lưu thông trên đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê. 

Mặt đường xuất hiện chằng chịt vết nứt, sụt lún nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hơn một năm thi công, đầu tháng 6-2019, tuyến đường đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng thì ngày 4-9, trên tuyến đường này bắt đầu xuất hiện hàng loạt vết nứt, sụt lún nghiêm trọng. 

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn bị sụt lún, nứt toác kéo dài khoảng 200m nằm ở địa bàn thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal. 

Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến trên mặt đường xuất hiện chằng chịt những vết nứt toác có chiều rộng từ 20 đến 60cm, nhiều nơi bị lún đến hơn 1 mét. Phía hai bên taluy đường, nhiều tấm kè bê tông cũng bị sụt lún, sạt lở biến dạng.

Theo tìm hiểu, ngoài những vị trí đường mới bị nứt toác, sụt lún này thì nhiều vị trí khác trên tuyến đường này trước đó cũng đã bị hỏng và đã được đơn vị thi công gia cố lại bằng xi măng. Theo một kỹ sư cầu đường, việc “sửa đường” theo cách này chỉ mang tính tạm bợ, đối phó và không khoa học.

Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Thanh Mẫn (trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết, vào khoảng đầu tháng 5-2019, trên đoạn đường này đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt nhỏ kéo dài. “Tuy nhiên, vào đầu tháng 9-2019, khi trên địa bàn có mưa lớn kéo dài thì những vết nứt lớn này mới bắt đầu xuất hiện. Nhìn vào hiện trường cũng có thể nhận thấy khâu kỹ thuật, khảo sát địa chất và chất lượng thi công có vấn đề”, ông Mẫn khẳng định.

Trước vụ việc trên, ngay trong chiều 4-9, Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 6 kiến nghị đơn vị này khẩn trương phối hợp với UBND huyện Chư Sê phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây. Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Ban quản lý dự án 6 đã phối hợp cùng hội đồng chuyên gia, cán bộ có trách nhiệm, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công là Công ty CP 417 có mặt tại hiện trường để kiểm tra, xem xét.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 6 cho biết, thời gian vừa qua, khu vực Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, đặc biệt từ ngày 23-8 đến 3-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 đã gây thiệt hại, hư hỏng khoảng 130m đường trên dự án tuyến tránh Hồ Chí Minh, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Về hiện trạng hư hỏng, đoạn tuyến từ Km10+200 đến Km10 +300 trên chiều dài 130m, xảy ra hiện tượng sạt, lún. Bề rộng vết nứt khoảng 20cm, cao độ mặt đường bị lún từ 60 - 80cm. 

Về công tác đảm bảo giao thông, ngay sau khi xảy ra việc sụt trượt mặt đường, Ban quản lý dự án 6 đã phối hợp với công ty quản lý sửa chữa đường bộ tỉnh Gia Lai yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cử cán bộ túc trực 24/24h tại hiện trường để đảm bảo an toàn giao thông. Một số đoạn tuyến được đóng cứng bằng dải phân cách và cắm biển các phương tiện lưu thông.

Đối với giải pháp xử lý, Ban quản lý dự án 6 yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương bổ sung khảo sát về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng để tiến hành khoan khảo sát địa chất và tính toán thủy văn khu vực bị ảnh hưởng nhằm đánh giá chính xác các nguyên nhân gây ra hư hỏng; cũng như đánh giá chất lượng thi công đất đắp nền. Sau khi có báo cáo kết quả khảo sát bổ sung của đơn vị tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án 6 sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giải pháp xử lý vụ thể.

Nhận định ban đầu về việc xảy ra hiện tượng sụt lún, nứt đường, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, ngay sau khi phát hiện vết nứt, Ban Quản lý dự án 6 và đơn vị tư vấn thiết kế (liên danh Công ty CP tư vấn thiết kế cầu đường thuộc TEDI và Công ty CP tư vấn thiết kế 8) đã mời một số chuyên gia về địa chất vào kiểm tra hiện trường.

“Kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu cho thấy, có điểm lạ thường trongvị trí nứt gãy. Bình thường sụt trượt võng xuống ở giữa thì 2 bên sẽ vồng cao lên, nhưng tại khu vực này nứt gãy theo phương thẳng đứng, nền 2 bên vẫn bình thường, vì thế chúng tôi nhận định do địa chất phức tạp. Qua tìm hiểu, điều tra dân sinh thì người dân cho biết, trước đây khu vực này có 3 ao nước có độ sâu từ 4 - 5m, gần đó có suối, nước ngầm để tưới cà phê”, ông Hưng cho hay.

Cũng theo ông Hưng, để xác định nguyên nhân chính xác, cần đợi kết quả khoan thăm dò của đơn vị tư vấn, khảo sát lại địa hình, địa chất trước khi kết luận. “Theo dự kiến, sẽ có 12 mũi khoan thăm dò địa chất tại vị trí bị nứt dài 130m này để xác định nguyên nhân”, ông Hưng thông tin thêm.

Trước đó, ngày 5-9, Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu Ban quản lý dự án 6 chủ trì phối hợp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng do mưa lớn kéo dài, đảm bảo ổn định công trình, tuyệt đối an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, kết quả thực hiện Ban Quản lý dự án 6 báo cáo Bộ GTVT trước ngày 10-9-2019.
Văn Thành
.
.
.