Dư luận lên tiếng việc Hà Nội dành “đặc quyền” cho xe buýt nhanh

Thứ Bảy, 17/12/2016, 09:19
Việc triển khai dự án xe buýt nhanh là một chủ trương đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, quyết định cấm hàng loạt phương tiện để dành “đặc quyền” cho xe buýt nhanh khi giao thông Thủ đô đang bị quá tải là việc làm mà Hà Nội cần xem xét một cách cẩn trọng, tránh những bất hợp lý...

Ngay sau khi Hà Nội chốt phương án tổ chức giao thông vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh bắt đầu từ ngày 25-12, Báo CAND tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ phía dư luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai dự án xe buýt nhanh là một chủ trương đúng đắn của thành phố.

 Tuy nhiên, quyết định cấm hàng loạt phương tiện để dành “đặc quyền” cho xe buýt nhanh khi giao thông Thủ đô đang bị quá tải là việc làm mà Hà Nội cần xem xét một cách cẩn trọng, tránh những bất hợp lý.

“Sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ nếu Hà Nội cấm hàng loạt phương tiện giao thông vào giờ cao điểm để vận hành tuyến buýt nhanh” - đó là nhận định của ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Giải thích về điều này, ông Bùi Danh Liên cho biết, hệ thống xe buýt nhanh là loại phương tiện giao thông tiên tiến, phù hợp với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nói riêng, việc vận hành tuyến buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá đông.

Ông Liên thẳng thắn bày tỏ: Hà Nội cần triển khai thí điểm để tìm ra những giải pháp và tiểu giải pháp giải quyết tình trạng này. Các cấp quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, phải nhìn nhận từ thực tiễn, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người dân.

Là người trực tiếp làm công tác hướng dẫn, phân luồng giao thông tại ngã tư Láng-Láng Hạ, dọc tuyến đường Lê Văn Lương, một cán bộ của Hà Nội cho biết, vào khung giờ cao điểm buổi sáng (từ khoảng 7h30 đến 8h) và buổi chiều (từ khoảng 17h đến 19h) tại các ngã tư của tuyến đường này hay xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông do lượng phương tiện đổ về lớn. Nếu dành riêng một làn đường với chiều rộng khoảng 3,5m cho xe buýt nhanh thì tình trạng ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ xảy ra.

Đường Lê Văn Lương ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm mặc dù xe buýt nhanh chưa vận hành.

Khi được hỏi về việc xe buýt nhanh được dành riêng làn đường thì việc các phương tiện khác đi vào làn đường riêng này có bị xử phạt hay không thì vị cán bộ này cho hay, nếu có quy định xe buýt nhanh có làn đường riêng thì ngành GTVT sẽ phải có các biển báo để người dân được biết. 

Khi có quy định mà các phương tiện khác đi vào thì các cơ quan chức năng sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở. Đối với các phương tiện “cố tình” vi phạm thì sẽ phải xử phạt theo quy định. Cán bộ này cũng cho hay, việc đưa xe buýt nhanh vào hoạt động cần có thời gian thực tiễn để từ đó đưa ra phương án tổ chức giao thông cho hợp lý.

Ủng hộ việc Hà Nội triển khai dự án xe buýt nhanh, chị Trần Thanh Xuân, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội - một người thường xuyên lưu thông qua tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu chia sẻ: Xe buýt nhanh sẽ giúp hiện đại hóa giao thông Thủ đô, giúp cho nhu cầu đi lại của người dân được nhanh hơn. Tuy nhiên, tại các nút giao như Láng Hạ - Thái Hà, Tố Hữu - Khuất Duy Tiến sáng nào cũng ùn tắc kéo dài hàng cây số. Tôi không hiểu nếu dẹp đi một làn đường để đưa buýt nhanh chạy liên tục vào đó thì việc ùn tắc sẽ đến mức như thế nào.

Trong phương án tổ chức giao thông cho xe buýt nhanh, xe taxi sẽ phải chịu “lệnh” cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường). Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang xe buýt nhanh nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT.

Nói về điều này, anh Trần Minh Khánh, lái xe taxi hãng Vina Taxi chia sẻ: Việc cấm taxi hoạt động trong 2 khung giờ trên tại tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương là khá bất cập. Bởi lẽ, vào giờ đó thì nhu cầu đi lại của người dân khá cao. Họ có quyền lựa chọn xe buýt hay taxi nay lại cấm taxi để xe buýt nhanh hoạt động. Liệu số lượng người lựa chọn phương tiện là buýt nhanh có nhiều hay không?

Đặc biệt, theo thông tin tôi biết được thì vẫn cho xe taxi có đăng ký logo với Sở GTVT được phép hoạt động. Nếu thế thì hãng taxi nào sẽ được lựa chọn để đăng lý logo. Đã cấm thì phải cấm hết hoặc đã cho hoạt động thì phải cho hết. Liệu đây có phải là quy định dễ khiến cho tiêu cực nảy sinh hay không?

Cuối năm là lúc nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Cùng với việc Hà Nội đang triển khai hàng loạt dự án giao thông thì tuyến xe buýt nhanh được đưa vào vận hành thí điểm với phương án tổ chức giao thông “cấm” hàng loạt phương tiện thực sự đã gây tâm lý lo lắng cho người dân. Điều mà người dân trông chờ nhất hiện nay chính là một phương án tổ chức giao thông hợp lý cho xe buýt nhanh và các phương tiện khác, tránh việc đi ngược lại chính mục đích ban đầu mà dự án đặt ra. 

Theo Sở GTVT Hà Nội, phương án thiết kế ban đầu của dự án xe buýt nhanh, tuyến buýt nhanh sẽ được vận hành với tần suất 3 phút/lượt; vận tốc khai thác 23,8km/giờ, chạy 37 phút trên hành trình Kim Mã – Yên Nghĩa. Tuy nhiên, thực tế vận hành của các tuyến buýt thường trên các trục đường chính hiện nay, cũng như thời gian chạy xe của tuyến đang chạy thử Kim Mã – Yên Nghĩa thì cần tới 50-55 phút/lượt xe. Khoảng thời gian này chỉ có thể giảm xuống còn khoảng 48- 50 phút trong điều kiện giao thông hỗn hợp nếu được một số ưu tiên trong tổ chức giao thông như kẻ dài phân cách liền trên một số đoạn, có hàn đinh để tách bạch cũng như tổ chức giao thông tại các nút dọc tuyến, hạn chế một số phương tiện tham gia trên lộ trình tuyến…

“Muốn đạt được vận tốc thiết kế ban đầu, buýt nhanh phải có làn riêng, cụ thể là làn cho buýt được rào cứng 100% dọc tuyến”- đại diện Sở khẳng định. Tuyến buýt nhanh sẽ được vận hành phục vụ 17 giờ/ngày, tương đương với dịch vụ của mạng buýt thường hiện nay (từ 5h đến 22h) để đảm bảo tính liên thông về mặt thời gian).

Trong giờ cao điểm, buýt nhanh sẽ hoạt động theo tần suất 5 phút/ lượt xe như các tuyến buýt trục chính hiện nay, ít hơn so với thiết kế ban đầu (3 phút/lượt). Vào giờ thấp điểm, con số này là 10 - 15 phút/lượt. Dự kiến trong ngày thường, buýt nhanh sẽ phục vụ 358 lượt/ngày (bằng 70% so với thiết kế). Riêng ngày chủ nhật, số lượt xe sẽ giảm hơn nữa, chỉ còn 264 lượt, bằng 52% thiết kế ban đầu.

Ngoài ra, do chưa có hệ thống thẻ vé điện tử nên tạm thời áp dụng giá vé theo Quyết định 18/2014/QĐ-UBND. Cụ thể là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường. Vé tháng sẽ áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường.

 

Nhóm PV
.
.
.