Hà Nội có đang “tùy hứng” với xe buýt nhanh?

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:47
Phương án tổ chức giao thông vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận tại Hà Nội bởi lẽ, với những “đặc quyền” dành cho xe buýt nhanh có thể khiến cho giao thông trên một số tuyến đường dọc lộ trình vốn đã quá tải rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngày 15-12, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có Quyết định số 2819/QĐ-SGTVT về phương án tổ chức giao thông vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa, có hiệu lực từ ngày 25-12.

Tuy nhiên, phương án này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận bởi lẽ, với những “đặc quyền” dành cho xe buýt nhanh có thể khiến cho giao thông trên một số tuyến đường dọc lộ trình vốn đã quá tải rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Hà Nội quyết định cấm hàng loạt phương tiện để dành “đặc quyền” cho xe buýt nhanh.

Theo Quyết định, phương án phân làn dành riêng cho xe buýt nhanh được tính như sau: Xe buýt nhanh chạy trên làn đường riêng tại các đoạn: Ba La-Quang Trung (Hà Đông)-Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – Đường trục Bắc Hà Đông-Tố Hữu-Lê Văn Lương-Láng Hạ-Giảng Võ-Nút Giang Văn Minh-Cát Linh. Các đoạn không bố trí làn dành riêng (xe buýt nhanh chạy chung với các phương tiện khác) bao gồm: đoạn Yên Nghĩa-Ngã 3 Ba La; đoạn Giang Văn Minh-Kim Mã và Kim Mã- Giảng Võ cấm xe tải, ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500 kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng hoạt động trong giờ cao điểm (6h-9h, 16h30-19h30).

Trục đường phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc) chỉ các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động. Đối với xe taxi, cấm hoạt động trong giờ cao điểm (6h-9h, 16h30-19h30) trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố).

Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang xe buýt nhanh nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT. Cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt nhanh. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành xe buýt nhanh hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách.

Tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng) sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe buýt nhanh lên cầu, nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác. Chính quyền thành phố cũng cấm các phương tiện môtô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (6h-9h, 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500 kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.

Về phương án tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu, thực hiện đóng điểm quay đầu trước cửa Triển lãm Giảng Võ cũ, mở điểm quay đầu thay thế tại vị trí trước số nhà 215 Giảng Võ. Tại 12 điểm quay đầu trên tuyến (không có đèn tín hiệu), tổ chức sơn kẻ, lắp đặt đèn cảnh báo, biển cảnh báo. Tùy vào tình hình giao thông thực tế, sử dụng hệ thống hàng rào di động tại các điểm quay đầu để điều chỉnh linh hoạt tổ chức giao thông tại các điểm này.

Tại 2 điểm quay đầu có bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông gồm 1 điểm quay đầu trước Trụ sở cảnh sát PCCC- Km 14+110 và 1 điểm quay đầu đối diện Khách sạn Fortuna- Km 12+850: có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe buýt nhanh đi trước các hướng phương tiện quay đầu.

Nói về phương án tổ chức giao thông dành cho xe buýt nhanh của Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ GTVT, chuyên gia giao thông đô thị tỏ ra khá e ngại. Theo ông thì không có quốc gia nào trên thế giới lại tổ chức hoạt động của xe buýt nhanh song song với việc cấm các phương tiện khác như cách Hà Nội đang làm. Đây có thể nói là quyết định rất vô lý và phản cảm của Hà  Nội. Bởi lẽ, nếu cấm các phương tiện khác sẽ khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra. Hạn chế, cấm chỗ này thì chắc chắn phải phình chỗ khác.

Hệ quả của việc này, theo TS Nguyễn Xuân Thủy là do Hà Nội thiếu tầm nhìn, áp dụng một cách máy móc mô hình xe buýt nhanh từ các nước mà không nhìn nhận, phân tích, nghiên cứu cẩn trọng thực tiễn giao thông Hà Nội. Với mục đích đưa ra ban đầu của dự án là hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng những gì đang diễn ra đang cho thấy Hà Nội đang có dấu hiệu, “tùy hứng” trong việc triển khai dự án cũng như tổ chức giao thông.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay các hạng mục công trình của dự án đã hoàn thiện. Để tránh lãng phí, Hà Nội vẫn nên tổ chức cho xe buýt nhanh vận hành. Tuy nhiên, nên nghiên cứu và xem xét việc tổ chức cho các phương tiện khác đi chung cùng với xe buýt nhanh ở những tuyến đường hẹp, nhiều phương tiện. Cùng với đó là việc tăng cường lực lượng Thanh tra GTVT, Cảnh sát Giao thông để đảm bảo tốt công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông. Còn về lâu về dài và mang tính chiến lược, Hà Nội nên đầu tư phát triển hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Xuân Thủy, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong tình hình giao thông Hà Nội rất phức tạp như hiện nay, nếu không có phương án phân luồng, tổ chức giao thông tốt thì hoạt động của xe buýt nhanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là cản trở cả hoạt động của xe buýt thông thường và các phương tiện khác.  Lộ trình xe buýt nhanh đi qua có nhiều ngã tư, ngã năm, rất nhiều đèn đỏ. Đây cũng là những tuyến đường hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, hỗn loạn, xung đột nhất là các ngã tư, ngã năm.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến sự an toàn dành cho hành khách đi xe buýt nhanh khi nhà chờ xe buýt nhanh “chênh vênh” giữa đường. KTS Phạm Thanh Tùng đánh giá, việc đưa xe buýt nhanh xen cấy vào các tuyến đường là giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp đồng bộ. 

Hiện đại, tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ùn tắc giao thông… là những gì người dân trông chờ vào dự án xe buýt nhanh với số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, với việc chậm tiến độ kéo dài hơn 1 năm, chưa đưa vào sử dụng nhưng nhiều hạng mục công trình của dự án đã xuống cấp và nay lại là phương án tổ chức giao thông có những “đặc quyền” dành cho xe buýt nhanh, liệu Hà Nội có đang “loay hoay” cho một dự án chưa đưa vào vận hành đã bộc lộ khá nhiều bất cập.

N.Hương-P.Huyền
.
.
.