Giải quyết khiếu nại tố cáo: Hãy nghe dân nói

Thứ Tư, 24/05/2017, 11:01
Theo ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiếp dân 1, Ban Tiếp công dân Trung ương, lĩnh vực khiếu kiện nhiều nhất là đất đai (chiếm khoảng 70%), sau đó mới là vấn đề chính sách chế độ, bản án, kinh tế văn hóa…

Xã hội ngày càng phát triển, quyền dân chủ sẽ càng được coi trọng. Bởi thế mà người dân ý thức được quyền của mình trong việc phản ánh tiêu cực tham nhũng, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi bị xâm phạm. 

Thực tế hiện nay, số vụ khiếu nại tố cáo ngày càng nhiều, đặc biệt là trước các kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, công tác giải quyết còn nhiều bất cập, thậm chí có nơi né tránh giải quyết, đùn đẩy lên cấp trên dẫn đến khiếu kiện kéo dài, không ít vụ việc gây ra hậu quả đáng tiếc. Làm sao để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao? Làm sao để những vướng mắc của người dân được giải quyết kịp thời?

Bài 1: Ghi tại trụ sở của Ban Tiếp công dân Trung ương

Những vụ việc kéo dài hết năm này qua năm khác không được giải quyết dứt điểm. Những gương mặt quen thuộc “bám trụ” tại trụ sở tiếp dân. Những tập hồ sơ với đơn thư có ghi: Lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ n… Đó là câu chuyện thường ngày ở trụ sở của Ban Tiếp công dân Trung ương.

Gian nan cảnh ăn chực nằm chờ

Đầu giờ sáng, ông Phạm Văn Học ở xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã có mặt tại trụ sở tiếp dân trên phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. 

Ông bắt xe khách từ Hải Phòng lên Hà Nội, tìm đến nhà người quen rồi nhờ họ chở xe máy lên đây. Ngồi trong phòng tiếp dân, ông vẫn đội nguyên chiếc mũ bảo hiểm trên đầu. Dường như mọi bức xúc, mọi hy vọng ông đang dồn cả vào nơi này. Tưởng chừng tìm đến cấp Trung ương, câu chuyện của ông phải to tát lắm. Thế nhưng, sau khi nghe ông trình bày sự việc, hóa ra đó chỉ là chuyện tranh chấp xây dựng lấn một phần đất giữa hai nhà hàng xóm.

Người dân đến Ban Tiếp công dân Trung ương để khiếu nại, tố cáo.

Ông Phạm Năng Dũng ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào trụ sở tiếp dân với khuôn mặt mướt mát mồ hôi. Do không biết địa chỉ nên ông phải nhờ một người họ hàng ở Hà Nội đi cùng để tìm đường. 

Ông Dũng cầm lá đơn có chữ ký của ông cùng hai công dân khác và cho biết, lá đơn này ông mang lên đây là đại diện cho hàng trăm cán bộ, nhân dân của xã Đại Tập phản ánh dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai ở địa phương.

Suốt từ năm 2013 đến nay, người dân trong xã đã gửi hàng trăm lá đơn tới các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện, cấp tỉnh và cả các cơ quan Trung ương tố cáo cán bộ làm sai. Thế nhưng, vụ việc chưa được xử lý dứt điểm, khiến ông phải tiếp tục chạy lên cơ quan tiếp dân cấp Trung ương gửi đơn tố cáo.

Suýt soát 11h30, một phụ nữ trung niên cầm tập đơn trên tay, vẻ khẩn khoản vì lo hết giờ: “Tôi từ Quảng Bình ra đây, tìm mãi mới thấy địa chỉ nên bị muộn”. 

Dù đã hết giờ tiếp dân sáng, nhưng không để người dân thất vọng ra về, cán bộ tiếp dân tiếp nhận, xử lý đơn của bà và hẹn bố trí cán bộ đón tiếp lúc đầu giờ chiều. Bên ngoài cổng trụ sở tiếp dân, người phụ nữ ấy bộc bạch lý do phải vượt đường xa ra Hà Nội trong nước mắt. Cô con gái đứng bên cạnh mẹ mắt cũng đỏ hoe. 

Từ ngày bố vào trại giam, cô bé phải nghỉ học để đi làm. Còn bà Nguyễn Thị Hiên, người mẹ đau khổ ở huyện Quảng Trạch thì có niềm tin rằng chồng bị kết án oan nên làm đơn đi khắp nơi, kêu oan cho chồng. Ra Hà Nội, bà đến nhà người quen ở nhờ để tìm đến các cơ quan chức năng mong được xem xét, giải quyết.

Vướng mắc ở cơ sở - nhìn từ những lá đơn

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiếp dân 1, Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, qua công tác tiếp dân và xử lý đơn thư cho thấy, những vướng mắc có ở mọi lĩnh vực, từ đất đai, bản án, chế độ chính sách, kinh tế văn hóa… Trong đó, lĩnh vực khiếu kiện nhiều nhất là đất đai (chiếm khoảng 70%), sau đó mới là vấn đề chính sách chế độ, bản án, kinh tế văn hóa…

Trong khiếu nại, tố cáo, nội dung liên quan đến đất đai bao giờ cũng chiếm nhiều nhất. Đất đai liên quan đến dự án, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng… Nếu lấy đất phục vụ cho một dự án mà không có giải pháp toàn diện đối với cư dân vùng đó thì sẽ dễ phát sinh khiếu kiện.

Chuyện thu hồi, đền bù đất đai gay gắt một phần do giá trị đất lớn, phần nữa là do quá trình thực hiện dự án ở các địa phương có nhiều sai phạm dẫn đến người dân vừa khiếu nại, vừa tố cáo. Điển hình như tình huống đền bù đất khác nhau, không minh bạch trong chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Ví dụ như giá đền bù đất nông nghiệp chỉ vài trăm nghìn đồng/m², nếu thu hồi để phục vụ mục đích công thì sẽ không phải bàn. Thế nhưng, chỉ bằng một quyết định hành chính, diện tích đó chuyển đổi sang mục đích khác như làm các khu nghỉ dưỡng, khu dân cư, trung tâm thương mại… giá trị đất bỗng chốc như được biến hóa. Ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích của các nhà đầu tư. Từ thực tế trên, người dân bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo. 

Trong khi đó, giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai lại liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều cơ quan. Cụ thể như đối với một dự án thì có từ kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phê duyệt kế hoạch đầu tư, thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư…

Không chỉ đất đai, vấn đề chính sách xã hội cũng xảy ra khiếu kiện nhiều, tuy nhiên không dẫn đến khiếu kiện đông người. Điển hình như khiếu kiện về chính sách người có công bởi vướng mắc do thời gian, lịch sử để lại... 

Có việc người dân khiếu kiện đông người điển hình như đoàn khiếu kiện Tây Ninh lên đến vài trăm người. Họ thuê trọ ở Hà Nội tới 6 tháng 17 ngày, hằng ngày đến trụ sở tiếp dân để gây sức ép giải quyết vụ việc liên quan đến đất đai. Tới khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, xử lý đối tượng cầm đầu gây rối, kích động thì mới giải quyết được dứt điểm.

Ông Phan Văn Hải cho biết, lợi dụng công dân đi khiếu nại tố cáo, các tổ chức phản động đã kích động, lôi kéo, gây áp lực với cơ quan tiếp dân, làm phức tạp tình hình, khiến cho công tác giải quyết, xử lý khiếu nại tố cáo càng trở nên khó khăn. Đó cũng là một trong những tác động khiến cho những cán bộ tiếp dân ở cấp Trung ương trăn trở. Có thể coi, họ là những người “giơ đầu chịu báng”. 

Mọi bức xúc của người dân bị dồn nén bao lâu ở cơ sở được dịp bùng lên, trút cả vào cán bộ tiếp dân tại Ban Tiếp công dân Trung ương. Đó là nỗi khổ chẳng giống ai.

Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương được đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan Trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các trụ sở tiếp công dân ở Trung ương. 

Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân Trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương.

Việt Hà
.
.
.