Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã bảo vệ quyền lợi cho 2.131 người

Thứ Sáu, 19/09/2014, 11:22
Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 có xu hướng giảm so với năm 2013, số lượt công dân đến cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Phần lớn địa phương (39/63) có tình hình khiếu nại, tố cáo giảm...

Đây là những thông tin Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra trong Hội nghị Triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 19/9.

Tuy nhìn chung tình hình khiếu kiện có giảm, nhưng đáng chú ý là số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng so với 2013 là 12,1%; có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương. Có thể kể đến đoàn công dân tại Văn Giang (Hưng Yên) với 400 người, đoàn của xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, (Quảng Ninh) 110 người, đoàn ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) 250 người, đoàn ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) 320 người…

Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu là về lĩnh vực đất đai (khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ…) với tỷ lệ đến 68,2% số đơn thư; khiếu nại về chế độ chính sách chiếm 7,62%, khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4%...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64 của Chính phủ sáng 19/9.

Có 12/63 địa phương số lượng đơn khiếu nại, tố cáo tăng cao (trên 30%) như Kiên Giang, Sóc Trăng, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Thuận, Đồng Tháp...

Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; 6,1% tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; 5,2% tố cáo cán bộ công chức có hành vi tham nhũng…

Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo thể hiện, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà ước đã giải quyết được gần 38.000/44.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ dồng, 106 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người, kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 trường hợp (đã xử lý 446 người).

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 83 vụ việc, 39 người. Trong đó, riêng Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 59 vụ, 4 người.

Qua giải quyết khiếu nại đã xử lý vi phạm hành chính 96 người, chuyển cơ quan điều tra 5 vụ, 17 người (đã khởi tố 1 vụ, 13 người). Tỷ lệ khiếu nại đúng ở mức 19,3%, có đúng có sai là 21,7%  còn khiếu nại sai là 59%.

Việc giải quyết tố cáo đã giúp bảo quyền lợi chính đáng cho 397 người, kiến nghị xử lý hành chính 498 người (đã xử lý 365 người), chuyển cơ quan điều tra 78 vụ, 22 người (đã khởi tố 6 vụ, 14 người). Cơ quan chức năng kết luận chỉ 12% tố cáo đúng, 24,8% tố cáo có đúng có sai và 63,2% tố cáo sai.

Dù vậy, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo được đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tiếp khiếu cao, quá trình giải quyết vẫn còn sai sót.

Trình bày kế hoạch thực hiện công tác này trong thời gian tới, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho rằng: Tuy đã chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành, trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhưng vẫn tiềm ẩn những vấn đề khó lường. Số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài là tương đối lớn, tính chất gay gắt, bức xúc, có tổ chức, có liên kết giữa khiếu kiện của nhóm công dân ở địa phương này và nhóm công dân của địa phương khác.... Các địa phương tuy đã có cố gắng nhưng vẫn chưa làm hết trách nhiệm, nên dân còn bức xúc... Ngoài vấn đề con người, quy chế tiếp công dân hiện nay cũng còn rất nhiều bất cập.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt hơn chế độ tiếp công dân, xử lý tốt hơn, khắc phục tình trạng đùn đẩy, trả lời đơn thư lòng vòng, né tránh. Không để công dân chờ đợi lâu dẫn đến khiếu kiện vượt cấp và bức xúc; Tập trung giải quyết cho dứt những tồn tại cũ, những vụ việc tồn đọng kéo dài; Kiện toàn tổ chức, cán bộ tiếp công dân... Về vấn đề con người, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho rằng: Kỷ cương chấp hành kỷ luật hành chính của chúng ta còn có vấn đề. Ở một số địa phương, một số năng lực hạn chế thì đưa vào tiếp công dân, chưa coi trọng việc này dù đây là khâu rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào giải quyết vấn đề con người, nâng cao năng lực, thái độ, trách nhiệm trong việc tiếp công dân

Vũ Hân
.
.
.