Xử lý chất thải y tế - vấn đề cấp thiết của Cần Thơ

Thứ Năm, 13/10/2016, 08:57
Cần Thơ phải dừng hoạt động các lò đốt rác 1 buồng tại Trạm y tế xã, phường và đưa ra kế hoạch thu gom để xử lý. Đối với chất thải y tế lỏng, dùng các bể ngăn và hồ sinh học để xử lý. Nếu cần thì thuê các đơn vị ngoài để giải quyết vấn đề chất thải y tế lỏng, nhưng phải chọn lọc các đơn vị có đủ điều kiện xử lý theo đúng quy định, tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình quản lí chất thải y tế vào ngày 11-10.

Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 129 cơ sở y tế, gồm: 25 bệnh viện; 2 Trung tâm Y tế quận, huyện; 15 cơ sở thuộc hệ dự phòng; 1 cơ sở đào tạo y dược và 85 trạm y tế…

TP Cần Thơ nhìn nhận còn nhiều hạn chế trong xử lý chất thải y tế thời gian qua.

Theo đánh giá của ngành Y tế Cần Thơ, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải y tế đang trở thành vấn đề cấp bách trong khi công tác quản lý chất thải ở các bệnh viện trên địa bàn còn rất hạn chế. Số lượng dụng cụ phương tiện phân loại thu gom và vận chuyển còn thiếu, dẫn đến việc phân loại, thu gom vận chuyển lưu giữ chất thải rắn y tế chưa đạt hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, hiện các kho lưu giữ tại nhiều nơi chưa đạt tiêu chí quy định, diện tích nhỏ so với lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong thời điểm hiện tại và định hướng phát triển của các cơ sở y tế trong những năm tới. Hiện, Cần Thơ có 7 lò đốt chất thải rắn y tế 2 buồng tại các Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ, Bệnh viện Quân Y 121, Bệnh viện Lao bệnh phổi, Bệnh viện ĐK quận Ô Môn, Bệnh viện ĐK huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh.

Tuyến xã, phường có 65 Trạm y tế được trang bị lò đốt chất thải rắn 1 buồng, còn lại hợp đồng thu gom vận chuyển đến các bệnh viện để xử lý theo quy định. Chất thải rắn y tế phát sinh trung bình hàng ngày được chia làm 3 loại: Chất thải y tế thông thường 6.004kg; chất thải y tế có thể tái chế 209,1kg; chất thải y tế lây nhiễm 625kg.

Mặc dù Sở Y tế cùng các ban, ngành đã phối hợp thực hiện 100% các bệnh vện thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác theo đúng quy định. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh viện chưa có lò đốt chất thải rắn, nên thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp vận chuyển thu gom xử lý chất thải y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, việc hợp đồng xử lý chất thải rắn nguy hại tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn, như: thu gom rác không đúng thời gian quy định, giá thành cao, đa số các đơn vị hợp đồng với công ty bên ngoài thực hiện. Riêng chất thải y tế lỏng phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố là 1.533m3, được xử lý 1.315m³.

Hầu hết các bệnh viện được xây mới trang bị hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Đối với các trạm y tế, chỉ có 32/85 trạm y tế có hệ thống xử lý nước thải và đa phần đã xuống cấp. Một số bệnh viện cũ có hệ thống xử lý nước thải đến nay đã bị xuống cấp, hư hỏng…

Sở Y tế TP Cần Thơ cũng nhìn nhận một số tồn tại trong công tác xử lí chất thải y tế. Cụ thể, số lượng cán bộ làm công tác quản lý cũng như các trang thiết bị xử lý chất thải ở nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Sự kết hợp giữa ngành Y tế và ngành TN&MT chưa được như mong muốn. Do kinh phí địa phương và đơn vị còn hạn chế, việc đầu tư các công trình xử lý chất thải y tế cũng gặp khó khăn. Việc xử lý nước thải y tế ở hệ thống y tế tư nhân, phòng khám và các trạm y tế cần phải được tăng cường kiểm soát...

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhìn nhận, vấn đề xử lý chất thải y tế là một trong những yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. Cần Thơ đã phối hợp với một đơn vị trong việc xử lý chất thải rắn ở quận Ô Môn nhưng kết quả không cao.

Bãi rác chôn lấp tại huyện Cờ Đỏ đang quá tải, thành phố đã cho xây dựng một bãi rác mới ở Thới Lai. Tình hình trước mắt, yêu cầu Sở Y tế làm tham mưu để sớm xử lý, chấn chỉnh các cơ sở chưa đảm bảo tốt việc xử lý chất thải y tế.

Đồng thời, đề nghị HĐND cũng như các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp bảo trì, bảo quản, tu sửa các thiết bị, máy móc trong việc vận hành xử lý chất thải y tế, nhằm tiết kiệm nguồn ngân sách. Đặc biệt, đề ra các tiêu chí hướng tới giải quyết chất thải y tế lỏng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù Cần Thơ còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực đã có những bước thành công nhất định. Nhận thức của người đứng đầu các cơ sở y tế đã xác định được vai trò và tác hại của việc xử lý chất thải y tế đối với môi trường. Cần Thơ phải dừng hoạt động 32 lò đốt 1 buồng tại Trạm y tế xã, phường và đưa ra kế hoạch thu gom để xử lý.

Đối với chất thải y tế lỏng, dùng các bể ngăn và hồ sinh học để xử lý. Nếu cần thì thuê các đơn vị ngoài để giải quyết vấn đề chất thải y tế lỏng, nhưng cần phải chọn lọc các đơn vị có đủ điều kiện xử lí theo đúng quy định, tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Văn Đức - T.L.
.
.
.