Vụ 7 nạn nhân tử vong khi chạy thận tại Hòa Bình: Mức độ nghiêm trọng ở tầm quốc tế

Thứ Ba, 30/05/2017, 12:53
Sau khi tháp tùng các bệnh nhân về Khoa thận Nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết, 24h đêm 29-5, các bác sĩ quyết định chuyển 10 bệnh nhân từ  BVĐK Hòa Bình về BV Bạch Mai để đề phòng các tình huống xấu xảy ra có thể phản ứng kịp thời.


Ngay từ 24h đêm, 100% các bác sĩ, y tá của Khoa đều phải đều phải trực cấp cứu, để có thể lọc máu bất cứ lúc nào cho các bệnh nhân. Cho đến nay, hầu hết các bệnh nhân đều có diễn biến khá, chỉ có một trường hợp nặng đang được theo dõi tích cực.

Tại Trung tâm Chống độc –BV Bạch Mai, bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi)  đã khá tỉnh táo sau cú sốc vì chạy thận cũng như khi những bệnh nhân cùng chạy thận bị tử vong. Ông Quang cho biết đã chạy thận được 9 năm và cùng từng bị dị ứng thuốc nhưng đây là lần đầu tiên ông bị rơi vào trạng thái sốc, nôn nao như thế.

Nằm tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân Bùi Thị Vân (54 tuổi) cho biết, sau khi chạy thận được khoảng 40 phút, bà bỗng bị nôn, đi ngoài, rét run cầm cập và trong đầu bà đã nghĩ đến cái chết. Nhưng ngay sau đó, bà đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên qua được cơn nguy hiểm, đến nay sức khỏe của bà đang dần ổn định.

Người bị nặng nhất đang điều trị tại Khoa Thận tiết niệu là bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (51 tuổi). TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, bệnh nhân Thiều nhập viện trong tình trạng thiếu máu mô do bị sốc nặng. Sau khi được chuyển xuống Khoa Thận Tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 1h sáng 30-5, bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị tích cực nên đã hồi phục tốt. Hiện nay, bệnh nhân vẫn phải còn lọc máu liên tục. Nếu diễn biến tốt có thể, chiều 30-5 bệnh nhân sẽ không phải sử dụng các biện pháp cấp cứu nữa.

Trong số 10 bệnh nhân được chuyển về Hà Nội, bệnh nhân Lê Văn Tiến (50 tuổi, Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, ông là người vô cùng may mắn, khi là người được chạy thận nhân tạo sau,. Bởi khi ông mới chạy được 20 phút thì xảy ra sự cố và các bác sĩ phải dừng toàn bộ quá trình lọc thận cho tất cả các bệnh nhân. Do đó, ông chưa bị rơi vào tình trạng sốc như các bệnh nhân khác.

Đến nay, ba bệnh nhân nằm tại Khoa Điều trị tích cực đã được cải thiện tình hình sức khỏe rất nhiều. Hai bệnh nhân ở Trung tâm chống độc cũng tạm ổn định,  nhưng có một bệnh nhân phải cho lọc máu.

PGS. TS Đỗ Gia Tuyển- Trưởng Khoa Thận Tiết niệu cho biết, hiện nay ba bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển lên đang được tại Khoa đã có tiến triển tốt và chỉ cần theo dõi thêm.  

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi nếu có bất cứ biến cố gì về lâm sàng và xét nghiệm sẽ phối hợp giữa các khoa để cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân trong vụ chạy thận ở BVĐK Hòa Bình 

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Dũng, hàng năm có hàng triệu người chạy thận ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng này. Là sự cố đồng loạt, đa dạng nên việc tìm nguyên nhân cần hết sức thận trọng.

TS Dương Đức Hùng cũng cho hay, trong 45 năm qua đây là lần đầu tiên có biến chứng nghiêm trọng như thế. Vì thế tới đây sẽ rà soát lại tất cả phác đồ, quy trình chạy thận, khư trú vào nhóm nguyên nhân nào để chuẩn hóa lại.

Có mặt tại BV Bạch Mai để trực tiếp thị sát việc điều trị cho bệnh nhân vào sáng 30-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đánh giá đây là một sự cố y khoa nghiêm trọng và mong các bệnh nhân yên tâm chữa bệnh, sớm bình phục sức khỏe. Ông cũng cho biết, nguyên nhân của sự cố này vẫn đang được tìm hiểu và sẽ có công bố sớm nhất. Bộ Y tế hiện nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa tổn thương và tử vong đối với bệnh nhân.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 30-5, PGS. Nguyễn Nguyên Khôi -nguyên Trưởng Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai tỏ ra rất bức xúc trước vụ việc ở BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ông cho rằng, đây là vụ việc có mức độ nghiêm trọng không chỉ ở trong nước mà còn ở trên thế giới, do đó phải tìm nguyên nhân đầy đủ để có kết luận chính xác. “Vụ việc nếu không được quan tâm làm rõ, sẽ khiến thế giới coi thường chúng ta”- PGS. Nguyễn Nguyên Khôi nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của một trong các chuyên gia đầu ngành về thận nhân tạo cùng 45 năm trong lĩnh vực lọc máu, PGS. Nguyễn Nguyên Khôi cho rằng, nếu sốc phản vệ thì chỉ xảy ra ở một cá thể chứ không thể là tử vong nhiều người cùng lúc như vậy. Do đó phải kiểm tra những vật liệu đã sử dụng cho hàng loạt bệnh nhân: Nước sử dụng có tinh khiết không? Dịch lọc có đúng qui chuẩn không? Quả lọc có đảm bảo chất lượng không? Việc kiểm tra qui trình trước khi chạy thận có đảm bảo?


Thanh Hằng
.
.
.