Tuyệt đối không lơ là với COVID-19

Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:38
Nguy cơ dịch COVID xâm nhập vào nước ta vẫn luôn thường trực, dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi chưa có vaccine dự phòng. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.


Theo dự báo, tình hình dịch COVID-19 vào mùa Đông năm 2020 và mùa Xuân 2021 sẽ có những diễn biến khó lường, các dịch bệnh khác có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới, cộng thêm dịch bệnh sau mưa lũ, nếu không chuẩn bị kịch bản đối phó, sẽ dẫn tới gia tăng số trường hợp mắc và tử vong do dịch bệnh. 

Việt Nam đã qua 2 tháng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đây cũng là điều khiến một bộ phận người dân, một số địa phương còn chủ quan, lơ trong phòng dịch. Phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về việc tránh xảy ra nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, đã qua 2 tháng Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, kết quả này đã bền vững hay chưa?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã và đang được kiểm soát tốt, đã qua 2 tháng không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu. Lý do, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện làn sóng nhiễm mới ở một số nước tại châu Âu. Chúng ta vẫn đón các chuyến bay gồm các chuyên gia nước ngoài, người hồi hương, người nhập cảnh, sau khi vào Việt Nam được đưa đi cách ly và xét nghiệm dương tính; vẫn có khả năng người nhập cảnh trái phép vào nước ta, nên nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực và là yếu tố để có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Do vậy, các địa phương không được lơi là, chủ quan, lúc nào cũng trong tâm thế phòng dịch.

Phóng viên: TP Hồ Chí Minh vừa phải cách ly y tế 39 người và xét nghiệm COVID-19 cho trên 200 người vì có liên quan đến 1 chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam, sau khi sang Nhật được xét nghiệm test nhanh đã dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian qua, người dân bắt đầu chủ quan, lơ là với phòng dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang khi đến những nơi tụ tập đông người. Ông có khuyến cáo gì với người dân?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Như tôi đã nói ở trên, nguy cơ dịch COVID xâm nhập vào nước ta vẫn luôn thường trực, dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi chưa có vaccine dự phòng. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. 

Chỉ cần một trường hợp nhiễm bệnh tại cộng đồng thì lây lan sẽ gia tăng theo cấp số nhân trong cộng đồng. Do vậy, người dân cần cảnh giác cao độ với các triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở… Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không tụ tập đông người là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh. 

Trong thời điểm hiện nay, người dân cần thực hiện theo thông điệp 5K phòng chống dịch của Bộ Y tế là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Một số địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người, trên phương tiện vận tải công cộng. Người dân cần nêu cao ý thức phòng bệnh, tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phóng viên: Bộ Y tế đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, theo đó người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực thi được việc xử phạt rất khó. Vậy, các địa phương cần phải làm gì để mang lại hiệu quả, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã có Dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người, để làm được điều này, trước tiên các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền. Ban chỉ đạo chống dịch các tỉnh, thành phố phải căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã quy định cụ thể tại địa phương mình và giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, như ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội…

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trong thời gian tới, nếu xảy ra ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, chúng ta sẽ ứng phó như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế thường xuyên duy trì giao ban trực tuyến với 63 Sở Y tế các tỉnh, thành, tại mỗi cuộc họp, lãnh đạo Bộ luôn quán triệt và nhắc nhở về những dự báo của dịch COVID-19 trong mùa đông xuân năm nay để các địa phương chuẩn bị kịch bản ứng phó. 

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải luôn luôn chủ động, rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch theo 5 nguyên tắc: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Nếu phát hiện càng sớm thì chúng ta càng triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả. Nguyên tắc là khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả. 

Chúng ta đã thực hiện thành công 2 đợt chống dịch vừa qua, áp dụng kinh nghiệm và bài học thực tiễn sâu sắc đó, khi có ca bệnh xâm nhập, chúng ta sẽ chủ động ứng phó được. Quan trọng nhất hiện nay là các địa phương phải nâng cao công tác phòng bệnh, cảnh giác để kịp thời phát hiện ca bệnh, thường xuyên tập huấn, xây dựng phương án ứng phó để khi có dịch xảy ra không lúng túng.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, để hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do dịch bệnh, tránh nguy cơ xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”, theo ông có những khó khăn gì mà chúng ta chưa lường được hay không?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nên công tác phòng chống dịch của chúng ta vẫn phải cảnh giác cao độ. Trong giai đoạn hiện nay cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông xuân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng.

Thời gian vừa qua có một số địa phương, khu vực cách ly tập trung còn hiện tượng lơi lỏng kiểm soát người nhập cảnh, giám sát người cách ly. Vì vậy, các địa phương phải quản lý chặt, quản lý tốt giám sát cách ly ở khu cách ly ngoài quân đội, phải thực hiện nghiêm theo quy định về vấn đề cách ly. Đặc biệt giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao được cách ly tại khu ký túc xá. Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có các biểu hiện nghi ngờ phải lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố; đề xuất để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. 

Đồng thời, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại, sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Để công tác phòng chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo các cấp cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra việc chỉ đạo của các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như hỗ trợ hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.