Tưởng kẹo, hai chị em uống nhầm thuốc chuột

Thứ Tư, 21/08/2019, 18:41
Bố mẹ đi vắng để hai chị em tự chơi với nhau ở nhà. Trong lúc chơi đùa, bé gái trèo lên mái bếp thấy có 2 ống bằng thỏi bút bi. Cứ nghĩ là kẹo, hai cháu cắt ống chia nhau mỗi chị em một tuýp mà không biết đó là thuốc chuột.

Ngày 21/8, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu và chống độc của BV vừa cấp cứu cho 2 chị em bị ngộ độc thuốc chuột. 

Hai bệnh nhi là cháu Nguyễn Nguyễn Ngọc Anh (7 tuổi), Nguyễn Minh Huy (6 tuổi), ở Thái Bình. 

Theo gia đình kể lại, chiều 15/8, bố mẹ đi vắng để hai chị em tự chơi với nhau ở nhà. Trong lúc chơi đùa, bé gái trèo lên mái bếp thấy có 2 ống bằng thỏi bút bi. Cứ nghĩ là kẹo, hai cháu cắt ống chia nhau mỗi chị em một tuýp mà không biết đó là thuốc chuột.

Gần 30 phút sau, người nhà về thấy hai cháu nằm trên giường trong tình trạng li bì, có một bãi nôn trớ to giữa nhà. Gia đình  kiểm tra gác mái thấy 2 tuýp thuốc diệt chuột đã biến mất. Biết là con mình đã ngộ độc thuốc diệt chuột, gia đình vội vã đưa 2 trẻ vào bệnh viện cấp cứu. 

Ống thuốc chuột khiến trẻ em dễ nhầm là kẹo

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành thăm khám cấp cứu, điều trị triệu chứng và làm các xét nghiệm độc chất để chẩn đoán và điều trị các biến chứng. Ngày 18/08, sau thời gian 2 ngày được các bác sĩ tích cực chăm sóc, sức khỏe của 2 bệnh nhi đã ổn định và có thể ra viện.

Đây không phải là vụ uống nhầm thuốc chuột trong một gia đình, mà cách đây vài tháng, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận 6 trẻ em trong một gia đình ở Hà Nội uống nhầm thuốc chuột do tưởng là kẹo. 

TS.BS.Lê Ngọc Duy, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết: “Tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh, hay đưa mọi thứ vào miệng, ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho dù mùi vị ra sao, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình. 

Vì vậy phụ huynh hết sức cẩn trọng và chú ý để trẻ không nhìn thấy để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào cho trẻ.

Trần Hằng
.
.
.