Trường hợp nghi nhiễm virus corona chỉ bị sốt Siêu vi

Thứ Tư, 29/01/2020, 15:52

Ngày 29-1, trao đổi với phóng viên Báo CAND, bác sỹ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có kết quả xét nghiệm trường hợp nghi nhiễm virus corona ở Đắk Lắk lan truyền trên mạng xã hội Facobook gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.


Theo bác sỹ Nay Phi La, đây là trường hợp bệnh nhân được thông tin đăng tải trên mạng xã hội, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và đã được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. “Kết quả xét nghiệm của người bị đồn thổi “nghi nhiễm virus corona” này dương tính với vi rút Siêu vi, không liên quan gì đến dịch bệnh virus corona đang bùng phát ở TP Vũ Hán (Trung Quốc). Trong thời điểm này, các thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng như này sẽ gây tâm lý hoang mang trong dư luận”, bác sỹ Nay Phi La nói.
Ngành y tế Đắk Lắk kiểm tra trước luồng thông tin tại Bệnh viện vùng Tây Nguyên

Như Báo CAND đã thông tin, trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết cá nhân chia sẻ nội dung: “Có một trường hợp nghi nhiễm virus corona đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để cách ly, điều trị”. Theo chủ nhân Facebook này, người nghi nhiễm bệnh vừa mới từ Trung Quốc trở về TP Hồ Chí Minh rồi về TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) điều trị. Nhà chức trách địa phương nhanh chóng lấy các mẫu đi xét nghiệm và hiện đang chờ kết quả. Người này cũng đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi.

Khu vực cách ly tại Bệnh viện vùng Tây Nguyên

Ngay sau khi đăng tải, thông tin này nhanh chóng thu hút người xem và được cộng đồng mạng chia sẻ bởi vào thời điểm đăng tải thông tin là lúc dịch virus corona đang bùng phát mạnh ở TP Vũ Hán và đang lây lan ra nhiều nước, diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Trước “tin đồn” có người nghi nhiễm virus corona, ngành Y tế Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc, đồng thời lấy mẫu người “nghi” mắc căn bệnh này đi xét nghiệm.

Cùng ngày, trao đổi với ông Lê Thanh Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân đang chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được thông tin trên mạng xã hội Facebook xuất phát từ Hàn Quốc về TP Hồ Chí Minh, rồi được điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân này sau đó về Đắk Lắk, tiếp tục đi chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau đó, thông tin thất thiệt đã được tung lên mạng xã hội.


Văn Thành
.
.
.