Triển khai tiêm vaccine 5 trong 1 mới vào tiêm chủng mở rộng

Thứ Bảy, 25/05/2019, 15:44
Ngày 25-5, bên cạnh vaccine ComBe Five, Bộ Y tế đã cho phép đồng thời sử dụng vacine DPT-VGB-Bib do Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Trong năm 2018, Bộ Y tế đã quyết định sử dụng vắc xin ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc xin Quinvaxem. 

Để chủ động nguồn cung ứng vắc xin, Bộ Y tế khuyến khích các nhà sản xuất khác đăng ký sản phẩm có thành phần DPT-VGB-Hib tương tự.

Vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất với thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương như vắc xin ComBE Five, đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2018. 

Vaccine DPT-VGB-Hib (SII) có thành phần hoàn toàn tương tự như vaccine 5 trong 1 đã sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trước đây là ComBE Five và Quinvaxem. 

Triển khai tiêm vaccine 5 trong 1 mới tại Trạm Y tế xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam

Vaccine 5 trong 1 do SII sản xuất đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vaccine đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép cung ứng đồng thời 2 loại vaccine 5 trong 1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là vaccine ComBE Five và vaccine DPT-VGB-Hib do SII sản xuất. 

Việc sử dụng đồng thời hai vaccine 5 trong 1 có thành phần tương tự trong tiêm chủng mở rộng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vaccine, tránh việc thiếu vaccine, đặc biệt là đối với những vaccine nhập khẩu, cần nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục mua vaccine và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm định chất lượng vaccine.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo việc cung ứng vaccine 5 trong 1 đầy đủ trong năm 2019, hiện nay Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã sẵn có cả 2 loại vaccine 5 trong 1 nói trên, đảm bảo đủ nhu cầu trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi cũng như tiêm bù đầy đủ cho các trẻ chưa được tiêm vaccine trong năm 2018.

Để chuẩn bị cho việc sử dụng vaccine DPT-VGB-Hib do SII sản xuất, ngày 25 tháng 4 năm 2019, Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất” tại 6 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Kon Tum, trong thời từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019.

Trong tuần cuối tháng 4 năm 2019 Dự án TCMR đã cung ứng đủ vaccine DPT-VGB-Hib do SII sản xuất để 6 tỉnh triển khai kế hoạch tiêm. Tại 6 tỉnh này, vaccine DPT-VGB-Hib (SII) sẽ được sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên (tiêm mũi 1, mũi 2, mũi 3). Trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 vacine ComBE Five hoặc vaccine có thành phần tương tự sẽ được tiêm chủng các liều tiếp theo với vaccine DPT-VGB-Hib (SII).

Trong trường hợp tại tỉnh vẫn còn vacine ComBe Five thì tiếp tục triển khai tiêm theo chương trình. 

Trong thời gian này tại các tỉnh, thành phố khác vẫn tiếp tục sử dụng vaccine ComBE Five như hiện tại. 

Qua thí điểm, vaccine 5 trong 1 do SII sản xuất không ghi nhận trường hợp tai biến nào

Việc sử dụng đồng thời 2 loại vaccine 5 in 1 này sẽ được thực hiện tương tự ở các địa phương khác trong thời gian tới, dự kiến vào cuối năm 2019.

Từ ngày 16/5/2019 tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai tiêm vaccine DPT-VGB-Hib do SII sản xuất tại 5 huyện. Bốn huyện còn lại vẫn tiếp tục triển khai vaccine ComBe Five trong tiêm chủng thường xuyên. Đến ngày 24/5/2019 đã có 1.280 trẻ ở 59/152 xã được tiêm vaccine DPT-VGB-Hib và không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai biến nặng nào trong tiêm chủng. 

Từ ngày 25/5/2019, 4 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Bến Tre sẽ bắt đầu triển khai vaccine DPT-VGB-Hib (SII) và trong tháng 6/2019 sẽ triển khai tại tỉnh Kon Tum. Dự án Tiêm chủng mở rộng giám sát chặt chẽ quy trình tiêm, tổng hợp kết quả triển khai và báo cáo Bộ Y tế vào cuối tháng 6/2019.

Vaccine DPT-VGB-Hib có thành phần ho gà toàn tế bào, do vậy phản ứng sau tiêm vaccine sẽ tương tự như đối với vaccine ComBe Five hay Quinvaxem. 

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng các địa phương cần tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng an toàn, thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn bà mẹ theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng, khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Các bậc cha mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế trong quá trình đưa con đi tiêm chủng và theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em, các bậc phụ huynh hãy cho con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.


Trần Hằng
.
.
.