Tiến tới chỉ còn một cơ chế tiêm chủng mở rộng

Thứ Hai, 27/03/2017, 09:47
Bộ Y tế sẽ xây dựng lộ trình để năm 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm chủng mở rộng như các nước.

Một cuộc điều tra với gần 1.300 mẫu của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào cuối năm 2016 cho thấy một điều rất bất ngờ: Bố mẹ càng có học thức cao, làm cán bộ viên chức, người dân càng ở khu vực thành thị thì con cái lại có tỷ lệ tiêm chủng càng thấp. Nhóm chỉ TCMR và nhóm được tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ cán bộ y tế có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hơn hẳn nhóm chỉ tiêm chủng dịch vụ và nhóm tiếp cận thông tin từ các nguồn mạng xã hội.

Một nghịch lý nữa ở Việt Nam là ý thức về tiêm chủng của các bậc phụ huynh đặc biệt cao, thậm chí hơn nhiều nước phát triển. Nhưng họ cũng có mối lo sợ cao hơn với các phản ứng sau tiêm. Chưa có quốc gia nào, phụ huynh lại chậm trễ tiêm chủng cho trẻ vì cố chờ vaccine dịch vụ, trong khi vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR) luôn đầy đủ và miễn phí như ở Việt Nam. 

Đặc biệt, Việt Nam đang có vấn đề nổi cộm khi là nước duy nhất trên thế giới có 2 hệ thống tiêm chủng là TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Đây là hệ quả của lịch sử, nhưng gây khó khăn cho hệ thống y tế khi đánh giá, dự báo suốt những năm gần đây. Bên cạnh đó còn là hàng loạt khó khăn khác do người dân lo ngại các phản ứng sau tiêm, sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh mới, ô nhiễm môi trường vv… 

Trẻ em sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện từ khi ra đời.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để khắc phục những tồn tại này đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thống kê báo cáo, chỉ đạo điều hành… Vì thế, từ cuối năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp với Viettel xây dựng và triển khai hệ thống “Tiêm chủng thông minh - Bảo mật an toàn - Quản lý không giấy”.

Điều đáng nói là hệ thống này sẽ không chỉ gồm các hợp phần quản lý tiêm chủng, mà còn kèm thêm các hợp phần theo dõi sức khỏe của nhân dân và sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Khi hệ thống này được triển khai, mọi hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế cơ sở có thể ứng dụng được. Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hệ thống này sẽ được sử dụng liên tục và không chỉ ở y tế cơ sở, mà ở tất cả các bệnh viện. 

Trước mắt, từ tháng 7-2017, 17.000 điểm tiêm chủng, trong đó có khoảng 12.000 trạm y tế cơ sở trên cả nước sẽ đồng loạt thực hiện phần mềm quản lý tiêm chủng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đây sẽ là sự kiện có tính lịch sử của ngành Y tế. Bởi với hệ thống quản lý mới, các vướng mắc trong tiêm chủng hiện nay sẽ được giải quyết bằng sự minh bạch của quy trình tiêm chủng, của chất lượng vaccine. Giải pháp chính là cung cấp công cụ để cả cán bộ y tế và người dân đều có thể tra cứu, giám sát các thông tin bất cứ lúc nào. Đồng thời, Bộ Y tế cũng xây dựng lộ trình để năm 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm chủng mở rộng như các nước, quy chế để quản lý một loại đối tượng, một tỷ lệ và quy chế báo cáo không giấy. Khi đó, Nhà nước sẽ chọn một hoặc một số loại vaccine cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí, dù chọn loại vaccine nào.

Ông Tống Viết Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã chia sẻ lý do mà Bộ Y tế đặt hàng phần mềm này là hệ thống đáp ứng đủ cả 3 yếu tố: thông minh, bảo mật và không giấy. Tức là hệ thống có khả năng gợi ý, cảnh báo, phân tích dựa trên số liệu lịch sử và đặc điểm về dịch tễ và xã hội, giảm sai số do con người. Hệ thống giúp dự báo được nhu cầu vaccine và các nguồn lực tiêm chủng khác, để tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng do vaccine hỏng, hay lãng phí do việc tiêu hủy. Hệ thống này còn có các cơ chế bảo mật và xác thực cho từng cơ sở y tế và từng cá nhân, đảm bảo mọi người có thể tin tưởng để nhập và duy trì đầy đủ dữ liệu.

 Phần mềm này cũng giúp xóa bỏ hoàn toàn hệ thống 11 quyển sổ sách tiêm chủng và hàng chục mẫu báo cáo thống kê hiện nay, giải phóng sức lao động cho cán bộ y tế. Do đó, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm mỗi năm tới hơn 100 tỷ đồng cho xã hội. Điều quan trọng là, chúng ta sẽ có một hệ thống tiêm chủng minh bạch, hiệu quả, giúp cộng đồng tránh được các hiểu biết sai lệch về các phản ứng sau tiêm vaccine. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng (số ID) từ khi sinh ra để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời, để tránh dược nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ tàn tật nhờ được tiêm chủng. Người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua sổ tiêm chủng điện tử, hay đăng ký lịch tiêm trực tuyến, tìm kiếm cơ sở tiêm gần nhất. Phần mềm quản lý thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm. 


Thanh Hằng
.
.
.