Tỉ lệ phản ứng của vaccine Quinvaxem và “5 trong 1” là như nhau

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:22
Việc phát hiện Công ty thiết bị vệ sinh APOLLO tại TP Hồ Chí Minh nhận đăng ký tiêm vaccine 5 trong 1 (Pentaxim) ở TP Hồ Chí Minh với giá rất cao, đã cho thấy, nhiều người vẫn tin rằng chất lượng vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Chính tâm lý đó đã bị một số người lợi dụng để bán vaccine với giá “trên trời”, trong khi thực tế không phụ huynh nào biết được xuất xứ của vaccine này, cũng như người tiêm có biết thực hành tiêm chủng không, khi đơn vị “rao bán” chẳng hề có chức năng kinh doanh vaccine. Tức là chỉ vì niềm tin không có căn cứ khoa học, mà nhiều phụ huynh sẵn sàng “đánh cược” tính mạng của con mình quá dễ dàng.

Vaccine dịch vụ thiếu, trong khi vaccine Quinvaxem của chương trình TCMR luôn đáp ứng miễn phí. Hơn nữa, các chuyên gia về TCMR của Tổ chức  Y tế thế giới (WHO) và Việt Nam tiếp tục khẳng định chất lượng đảm bảo của vaccine Quinvaxem. Vì thế, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải “bằng mọi giá” để có được mũi tiêm dịch vụ khi mà không ai biết chất lượng nên hậu quả cũng thật khó lường.

Ông Kohei Toda, chuyên gia tiêm chủng của WHO, nhấn mạnh: Vaccine Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định chất lượng từ năm 2006 và hiện được sử dụng tại 94 nước với khoảng 449 triệu liều. Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều trong 9 năm qua. Một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều được điều tra, báo cáo kịp thời và minh bạch. Tỷ lệ tai biến nặng liên quan đến vaccine bạch hầu - ho gà (toàn tế bào) - uốn ván  đến nay là 4,5/1 triệu liều, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ theo thống kê của WHO là 1- 20/1 triệu liều.

Nhiều phụ huynh cho rằng vaccine dịch vụ đắt tiền sẽ tốt hơn vaccine miễn phí trong chương trình TCMR. PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Vaccine TCMR là do Nhà nước phải trả tiền và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chứ không phải được cho không.

Vaccine Quinvaxem phòng lây lan sau tiêm tốt hơn vaccine dịch vụ.

Dù là vaccine TCMR hay vaccine dịch vụ thì trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, được kiểm định chặt chẽ tính an toàn và hiệu quả. Bởi thực tế, trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã sử dụng các vaccine trong chương trình TCMR hàng năm và kết quả phòng bệnh thấy rõ khi nhiều bệnh đã được thanh toán và loại trừ: bại liệt được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ từ 2005.

Theo PGS. TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, khác nhau cơ bản giữa vaccine Quinvaxem với vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” chỉ là thành phần vaccine ho gà toàn tế bào ở Quinvaxem và vô bào ở vaccine dịch vụ, còn các thành phần khác gần như tương đồng. Thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng hơn vô bào, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, còn mức độ nặng thì cả hai loại vaccine đều như nhau và hiếm gặp.

Tại Mỹ, trước khi có vaccine, bệnh ho gà hàng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người. Sau khi đưa vaccine ho gà toàn tế bào vào sử dụng, năm 1976, tỉ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%. Tuy nhiên, từ năm 1990 chuyển sang dùng ho gà vô bào, dịch ho gà bùng phát vào các năm sau đó, xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào các năm 2005, 2010 và 2014. Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm, dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi, hiện tại, hàng năm, tại Mỹ vẫn có từ 10.000-40.000 ca mắc và 10-20 ca tử vong vì bệnh này.

PGS. TS. Phan Trọng Lân cho biết thêm, hiện chưa thấy bùng phát dịch ho gà tại các nước dùng vaccine ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Tháng 8-2015, WHO cũng khuyến cáo các nước đang dùng vaccine ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng quốc gia không quá 4 mũi không nên chuyển đổi sang vaccine ho gà vô bào, trừ trường hợp cần tăng tỉ lệ bao phủ vaccine. Tại Việt Nam, lịch tiêm vaccine toàn tế bào (Quinvaxem) hiện nay là 3 mũi cơ bản và với lịch tiêm này, tỷ lệ tiêm chủng cao, chúng ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua.

Vaccine ho gà toàn tế bào trước đây do Việt Nam sản xuất sau đó chuyển sang Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất. Khi WHO cho phép sử dụng Quinvaxem, vaccine đã hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được WHO tiền thẩm định,  được cơ quan quản lý Hàn Quốc cấp phép cho xuất khẩu.

Lý giải về việc nhiều người “chuộng” vaccine vô bào, PGS. TS. Phan Trọng Lân cho rằng: Khi chương trình TCMR đạt hiệu quả cao thì phụ huynh quan tâm nhiều đến các phản ứng sau tiêm như sưng, đau, đỏ, sốt… Mà phản ứng của vaccine toàn tế bào nhiều hơn vaccine vô bào, khiến phụ huynh muốn có tính an toàn nhất như giảm sưng đau, sốt nên vaccine vô bào được lựa chọn. “Nhưng vaccine công nghệ toàn tế bào lại tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn, phòng lây lan sau tiêm tốt hơn”, PGS. TS. Phan Trọng Lân lưu ý.

Vaccine Quinvaxem phòng lây lan sau tiêm tốt hơn vaccine dịch vụ.

Thanh Hằng
.
.
.