Thực phẩm “bẩn” vẫn tràn lan khắp nẻo

Thứ Hai, 01/08/2016, 21:34
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có hàng loạt vụ vi phạm ATTP được phát hiện ở nhiều địa phương. Đáng lưu ý là trong số các đơn vị, cá nhân vi phạm, có cả những “ông lớn” như siêu thị Metro, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, siêu thị thực phẩm Youmart vv…


Việc vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn ra ngày càng đáng lo ngại và trở thành vấn đề quan tâm đặc biệt của mọi gia đình. Bức xúc của dư luận chính là bởi nhiều người, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận, dẫm đạp lên quyền lợi của người tiêu dùng, nên đã buôn bán các loại thực phẩm bị hỏng, hôi thối, khiến người tiêu dùng sử dụng mà không biết, gây nên nguy cơ rất lớn cho sức khỏe người dân.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có hàng loạt vụ vi phạm ATTP được phát hiện ở nhiều địa phương. Đáng lưu ý là trong số các đơn vị, cá nhân vi phạm, có cả những “ông lớn” như siêu thị Metro, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, siêu thị thực phẩm Youmart vv…

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế TP.HCM, đã cho thấy không có ADN của bò trong 2 mẫu bò viên Merlion và bò viên GoGo của Công ty Việt Sin, mà chỉ tìm thấy ADN của cá và trâu. Đây là điều rất bất ngờ vì lâu nay, thịt bò viên của Công ty Việt Sin là sản phẩm đã được chứng nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, được công bố phù hợp với quy định VSATTP.

Siêu thị lớn như Metro vẫn luôn là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy niềm tin đã bị “đánh cắp” khi cơ quan chức năng phát hiện tới 2 cơ sở cung cấp sản phẩm gia cầm cho Metro là không đáng tin cậy. 

Đó là cơ sở giết mổ của ông Lê Xuân Bảy (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) chưa có giấy chứng nhận cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, vẫn cung cấp "thịt vịt sạch" cho siêu thị Metro. Việc giết mổ gia cầm ở một địa điểm mất vệ sinh, nhưng sản phẩm vẫn được cán bộ thú y cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP.

 Sự thiếu trách nhiệm của cả đơn vị thú y lẫn siêu thị đã khiến người tiêu dùng bấy lâu nay phải sử dụng những sản phẩm “bẩn” với giá thực phẩm sạch, là điều không thể chấp nhận được.

Cùng với cơ sở của ông Lê Xuân Bảy, siêu thị Metro còn nhập thịt gia cầm từ Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II, cũng là một đơn vị không có giấy phép giết mổ động vật. Không ai có thể nghĩ các sản phẩm thịt gia cầm đã được đóng trong túi, dán nhãn mác có vẻ rất vệ sinh, nhưng thực ra, nguồn gốc xuất xứ của chúng hầu như chỉ có …giời biết.

Việc kiểm tra của Công an huyện Nam Từ Liêm và Trạm thú y quận Nam Từ Liêm tại siêu thị thực phẩm Youmart ( lô A14 KĐT Sông Đà, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho thấy vi phạm trong đảm bảo ATTP nơi này: Siêu thị đã không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, có thể dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm chéo, ngoài ra còn sử dụng người lao động mang, mặc trang phục bảo hộ nhưng không đầy đủ theo quy định.

Không còn là có thể nữa mà sự thực là có hàng trăm vụ ngộ độc tập thể, kể cả ở các khu công nghiệp, lẫn trường học, đã xảy ra với hậu quả là hàng trăm người phải nhập viện mỗi vụ. 

Con lợn bị dịch xuất huyết vẫn được quay để bán cho khách ở Thái Nguyên 

Vài ngày trước, 119 khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm do món tôm hấp dừa bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens cao gấp 550 lần cho phép tại nhà hàng Four Seasons (đường Trần Phú, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) là một ví dụ điển hình, tiếp tục gióng lên những hồi chuông báo động về việc bảo đảm ATTP.

Chúng ta đều biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm mất an toàn. Mới đây, lực lượng chức năng của Bình Phước đã phát hiện gần 1 tấn thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ của cơ sở Tuấn Hằng (tổ 5, KP.Tân Xuân, P.Tân Xuân, TX. Đồng Xoài, Bình Phước) do ông Nguyễn Quốc Tuấn làm chủ. Đó là các loại thịt lợn, thịt bò, xương lợn, mỡ lợn, đầu dê, thủ lợn, nội tạng lợn, bò nhưng không có dấu kiểm dịch vệ sinh thú y.

Gần 2 tấn lòng lợn bốc mùi hôi thối chuẩn bị đưa ra thị trường ở thành phố Móng Cái cũng được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện. Chủ của số “hàng” này là chị Vũ Thị Kiều Trang, sinh năm 1992, thường trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nếu không kịp thời phát hiện, bao nhiêu người sẽ phải dùng số thịt thối này? Những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe mọi người không ai có thể lường hết được.

Bò viên của Việt Sin không có thịt bò

Công an tỉnh Thanh Hóa và Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cũng đã phát hiện tại gia đình ông Nguyễn Văn Tân (thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân) có 1 tấn da trâu bò đã ướp muối, 400kg xương, đuôi trâu bò đang được cấp đông và ướp muối, song cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.

 Gần 7 tấn xương, mỡ bò và da bò đã bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được phát hiện trên chiếc xe tải BKS 49C-09318, cũng cho thấy tình trạng buôn bán thực phẩm “bẩn” đã trở thành vấn nạn nhức nhối vì gây nên những nguy cơ cho sức khỏe người dân.

Cách đây chưa lâu, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh con lợn bị dịch xuất huyết toàn thân nhưng đã được quay vàng ở quán bia của ông Phạm Thanh Hải (tổ 19, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên). 

Khi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện 3 con lợn khác, mỗi con nặng từ 35-40 kg, trong đó có 2 con đã chết. Con lợn còn sống cũng đang bị sốt 42,5 độ, hạch hầu sưng to, nhiều nốt xuất huyết, và 2 con lợn chết cũng đều bị xuất huyết bầm tím ở da và ruột vv…

 Ở phía Nam, ngày 25-7, lực lượng chức năng cũng phát hiện cơ sở của ông Lê Nguyễn Phúc (ấp Tân Long, xã Tân Thanh Bình, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đang mổ 2 con lợn chết cùng hơn 100 kg thịt và nội tạng heo đã bốc mùi hôi thối; 5 con lợn còn sống có dấu hiệu bị bệnh đang chờ giết thịt.

Rõ ràng, tình trạng buôn bán sản phẩm động vật, gia cầm mất ATTP đang diễn ra ở khắp cả nước.  Một điều chắc chắn rằng, những người buôn bán những sản phẩm này đều biết rằng sử dụng chúng sẽ tác động rất xấu tới sức khỏe con người. 

Nhưng, họ đã táng tận lương tâm khi nhắm mắt vì đồng tiền, đẩy bệnh tật và những nguy cơ khác cho người tiêu dùng. Chúng ta chỉ còn cách tự bảo vệ mình bằng cách cùng tẩy chay những cơ sở đã kinh doanh, sử dụng thực phẩm “bẩn”.

Thanh Hằng
.
.
.