Thấy gì sau một năm ký cam kết giảm tải bệnh viện?

Thứ Bảy, 31/12/2016, 09:12
Vào một ngày mưa rét, chúng tôi theo dòng người nhà bệnh nhân đến khu điều trị ở một số bệnh viện (BV) tuyến Trung ương đông bệnh nhân nhất, để “mục sở thị” kết quả giảm tải ở các BV sau một năm ký cam kết với Bộ Y tế về việc thực hiện chống quá tải BV.

Tại BV Nhi Trung ương với điểm đến trước nhất là tầng 5-6 của khu nhà 15 tầng - nơi điều trị cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Không như sự phàn nàn từng có, khu vực điều trị bệnh nhân BHYT so với khu điều trị dịch vụ rất ít sự khác biệt. Tất cả các phòng bệnh đều không có người nào phải nằm ghép. 

Chúng tôi hỏi chị Trần Thị Bích V., mẹ của bệnh nhi Nguyễn Thị Quỳnh A (Từ Sơn, Bắc Ninh) được chị cho biết, con chị vào đây điều trị theo chế độ BHYT nhưng cũng không phải nằm ghép. Các phòng điều trị và các phòng vệ sinh cho bệnh nhân BHYT đều khá sạch sẽ, chứng tỏ được vệ sinh thường xuyên, trừ khu vệ sinh ở tầng 1, khu khám bệnh, còn khá bẩn thỉu do nhiều bệnh nhân thiếu ý thức, trong khi việc dọn vệ sinh chưa kịp thời.

Ở khu vực bệnh nhân dịch vụ cũng không có gì khác biệt. Cũng các phòng bệnh yên tĩnh và rất sạch sẽ. Mỗi phòng bệnh cũng có 4-5 giường và mỗi giường một bệnh nhân. Một số phòng bệnh còn thừa giường. Có lẽ khác chỉ là phòng vệ sinh có đủ bình nóng lạnh, giấy vệ sinh, vòi sen.

Đặc biệt, ở một số phòng bệnh, người nhà bệnh nhân còn khen ngợi nhiều bác sĩ chu đáo, tận tụy, nhất là thái độ ân cần, dịu dàng của thầy thuốc được đánh giá cao hơn cả.

Tình trạng nằm ghép vẫn còn ở một số bệnh viện sau một năm ký cam kết.

BV Việt-Đức là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nơi các bệnh nhân nặng trong cả nước chuyển về. Tuy nhiên, ở các khoa, không có tình trạng nằm ghép. Ở những khu vực quá đông bệnh nhân, bệnh nhân được bố trí nằm trên xe cáng, hoặc nằm giường ở hành lang, nhưng kín đáo và đảm bảo vệ sinh.

Ở BV Phụ sản Trung ương, tại khoa chờ đẻ, vẫn còn hiện tượng nằm ghép 2 người một giường. Anh Nguyễn Ngọc H., chồng của thai phụ Nguyễn Trà M. (Hà Nội) cho biết vợ anh vào đây 2 ngày chờ đẻ và phải nằm chung giường với một thai phụ khác. Dĩ nhiên, 2 bà bầu nằm một giường rất khó chịu, song còn may mắn là vào mùa đông nên cũng đỡ. Nhưng ở các phòng sau đẻ, phòng dịch vụ ở BV Phụ sản, không thấy có hiện tượng nằm ghép.

Ở BV Bạch Mai, vẫn còn tình trạng nằm ghép ở một số khoa. Khi chúng tôi có mặt ở Khoa Xương khớp, các giường bệnh đều chật cứng người, cả người bệnh và người vào thăm nom. Các bệnh nhân đều phải nằm ghép 2 người/giường, cá biệt có giường 3 người, nhưng số giường ghép 3 người ít hơn. 

Bà Văn Thị Đ., 63 tuổi, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn cho biết: Bà phải thường xuyên vào Khoa Xương khớp điều trị nên thấy việc nằm ghép ở đây diễn ra thường xuyên. Đợt này ghép 2 người một giường còn đỡ, chứ tháng trước còn phải ghép 3 người/giường, trong khi thời tiết còn nóng.

Như vậy là sau một năm ký cam kết chống quá tải với Bộ Y tế, việc quá tải đã được cải thiện hơn trước, song tình trạng nằm ghép vẫn còn, dù chỉ ở một số khoa phòng và ở một số bệnh viện.

Nhìn nhận một cách công bằng, giảm tải bệnh viện (BV) là một kết quả nổi bật của ngành Y tế trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Bộ Y tế tổ chức ký cam kết với một số BV tuyến Trung ương về vấn đề này.

Hàng loạt biện pháp đã được thực hiện, trong đó, việc xây dựng, cải tạo và mở rộng quy mô BV là tiên quyết. Từ 2012 đến 2016, đã có 119 BV được xây mới, tập trung ở tuyến tỉnh, huyện (116 BV), tăng thêm 5.129 bàn khám bệnh và hơn 100.000 giường bệnh, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ưu đãi mà Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho các BV bằng hàng loạt cơ chế hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng v.v…

Đặc biệt, 15 dự án khám chữa bệnh trọng điểm được tập trung vốn đã hoàn thành, có ý nghĩa quan trọng trong giảm quá tải BV: BV Nhi Trung ương, BV Nội tiết TW, Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức, BV Lão khoa, BV Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, BV Thống Nhất, Trung tâm Ung bướu – BV Bạch Mai…

Việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao như: ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư, sử dụng robot mổ nội soi nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim, ghép tạng vv… đã góp phần nâng cao chất lượng KCB, để người bệnh sớm được ra viện.

Đề án BV vệ tinh đã có ý nghĩa không nhỏ để giảm tải cho các BV tuyến Trung ương, khi các BV tuyến dưới được nâng cao năng lực thông qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn KCB từ xa bằng công nghệ thông tin. Nhiều BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật cao do BV hạt nhân chuyển giao.

Nhờ hàng loạt biện pháp đó mà việc giảm tải ở cả khu vực nội trú và ngoại trú đều có những kết quả đáng ghi nhận. Tình trạng quá tải khu vực khám bệnh đã được cải thiện đáng kể. Quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4 – 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh…

Tuy nhiên, vẫn còn một số BV tuyến Trung ương và một số chuyên khoa “nóng” chưa khắc phục được tình trạng quá tải.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để việc giảm tải ngày càng hiệu quả, năm 2017, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng BV để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Tiếp tục hoàn thiện các dự án như: BV Da liễu TW, Khu điều trị của BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai, Việt-Đức cơ sở 2… 

Tiếp tục tăng thêm số giường bệnh tại các BV tuyến trung ương, tuyến cuối và các BV chuyên khoa, vừa để nâng cao chất lượng KCB, vừa là nơi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Thanh Hằng
.
.
.