"Cải tổ" nhiều, bệnh nhân vẫn nằm ghép giường

Chủ Nhật, 26/08/2007, 19:38
Để giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện, nhiều biện pháp được đưa ra như lập các "vệ tinh" để "chia tải", mở rộng, xây mới bệnh viện Trung ương… Thế nhưng, ở các bệnh viện Trung ương, cả bác sỹ lẫn bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chờ quy hoạch, có quy hoạch lại chờ duyệt…

Để giải quyết tình trạng quá tải, nhiều lãnh đạo bệnh viện có chung nhận định quá tải không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai, mà cần có sự đầu tư toàn diện về cả vật chất, con người có tính chiến lược và sự nỗ lực của không riêng ngành Y tế.

Một giường bệnh kéo theo nhiều yếu tố...

Để giải quyết tình trạng quá tải, hầu hết các bệnh viện vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp khả thi trong phạm vi cho phép. Tất cả các bệnh viện đều triệt để cho bệnh nhân nhẹ điều trị ngoại trú.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện K đi làm sớm hơn 1 tiếng, giờ làm việc bắt đầu từ 6h30'. Bệnh viện Nội tiết Trung ương xin tăng thêm giường điều trị, điều động thêm bác sỹ khám nếu bệnh nhân đông. Bệnh viện Nhi Trung ương bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn nhập viện để bác sỹ đối chiếu, giải thích cho bệnh nhân chưa cần điều trị nội trú…

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên chỉ là biện pháp tình thế. Bác sỹ, y tá có thể làm thêm việc, thêm giờ, nhưng trên diện tích chật chội, điều kiện thiết bị máy móc, nhân lực có hạn, ngay cả một người quản lý giỏi cũng chưa thể nghĩ ra cách để bệnh nhân không phải nằm ghép.

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói rằng, do quá tải, bệnh viện đang bị biến thành "vườn treo", "chuồng cọp", không thể cơi nới thêm được nữa.

Phòng khám Bệnh viện K luôn đông nghịt.

Một nhà chuyên môn y tế cho biết, về nguyên tắc, cứ tăng thêm 1 giường bệnh phải có thêm 2, 5 bác sỹ và 15 - 17 triệu đồng đầu tư hằng năm. Không phải cứ đầu tư thêm giường bệnh, xây thêm cơ sở y tế là giải quyết được tình trạng quá tải.

Thiếu bác sỹ tay nghề vững, có khoa phòng nhưng hoạt động chuệch choạc cũng chính là nguyên nhân khiến người bệnh đổ xô về tuyến Trung ương. Về biện pháp giảm tải giường bệnh, nhiều lãnh đạo bệnh viện đồng thuận quan điểm phải củng cố vững chắc mạng lưới y tế cơ sở, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh, huyện lẫn các khoa phòng, trung tâm chuyên khoa khu vực.

PGS.TS Tạ Văn Bình cho biết, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, đã có thêm 1 bệnh viện nội tiết ở Thanh Hóa, 14 khoa và 16 trung tâm nội tiết trên toàn quốc. Đây là sự tiến bộ vượt bậc của chuyên khoa nội tiết, nhưng do thiếu bác sỹ, cơ sở mới hoạt động chưa hiệu quả nên người bệnh vẫn dồn về tuyến Trung ương.

Bệnh viện quy hoạch chờ

Với tình trạng gia tăng bệnh nhân liên tục, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khá chật vật gắng gượng hoạt động trên diện tích chật hẹp 3.400m2. Còn xin mở rộng thì PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Quá trình đi xin đất xây dựng bệnh viện diễn ra suốt từ năm 2001 đến năm 2006.

Theo đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ được mở rộng tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội với tổng diện tích 1.600m2, quy mô 500 giường bệnh, gồm 2 toà nhà 10 tầng và 5 tầng.

Mặc dù theo đúng tiến độ, quá trình xây dựng sẽ diễn ra trong từ năm 2006 - 2008. Song đến thời điểm tháng 8/2007 này, mọi việc chỉ dừng lại ở mức chuẩn bị san nền...

Tương tự ở Bệnh viện K, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã có quyết định mở rộng của Bộ Y tế tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội với tổng diện tích 6,6ha, quy mô 1.000 giường bệnh. Lộ trình xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện K là từ năm 2006 đến năm 2015.

Hiện giờ, tiến độ xây dựng cũng chỉ ở mức giải phóng mặt bằng, xây hàng rào… vì còn chờ phê duyệt của trên. Cứ đà này, không biết đến bao giờ bệnh viện mới có thêm một giường bệnh mới, chứ chưa nói một cơ sở mới. Bệnh viện Nhi Trung ương may mắn hơn khi có được diện tích khá lý tưởng rộng 9ha.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, gần đây, bệnh viện đã nhận được dự án cải tạo mở rộng và nâng cấp bệnh viện trên diện tích cũ với quy mô 900 giường, bao gồm 4 giai đoạn do Tổ chức AP (Atlantic Philanthropies) - Mỹ tài trợ.

Dự án sẽ được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, dự kiến kéo dài trong 7 - 8 năm. Tuy nhiên, PGS.TS Liêm cho biết thêm, tiến độ dự án hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực từ phía chúng ta.

Như vậy, hướng mở rộng, xây mới của các bệnh viện Trung ương dường như đang giậm chân tại chỗ. Thủ tục hành chính phức tạp kéo dài, sự đầu tư dàn trải một cách không cần thiết vẫn đang làm trầm trọng hơn căn bệnh quá tải. Một lãnh đạo bệnh viện bày tỏ lo lắng, với tiến độ hiện nay, xây xong bệnh viện mới, dễ mà tiếp tục nhận sự quá tải mới...

Là người trong cuộc, chưa có lãnh đạo bệnh viện nào tiên lượng được căn bệnh trầm kha quá tải giường bệnh bao giờ mới chấm dứt. Nhưng tất cả đều khẳng định, quá trình điều trị này không thể kết thúc trong ngày một ngày hai và cần nhiều nỗ lực của không riêng ngành Y tế.

Theo bác sỹ Trần Phan Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: "Để giảm tải giường bệnh, phải tạo niềm tin cho người bệnh ngay từ y tế cơ sở. Bởi có tin thì họ mới yên tâm khám chữa bệnh tại địa phương, không mất công khăn gói lên tuyến Trung ương điều trị. Nói thì đơn giản, nhưng làm được như vậy là cả một quá trình đầu tư lớn về cả người và của".

Có một tin vui đã đến với Bệnh viện Nhi Trung ương, tại buổi làm việc bàn biện pháp giảm tải ngày 18/8, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã mời thêm đại diện các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc & Đô thị, Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất và các ban, ngành của Hà Nội tham dự.

Hà Nội đã hứa sẽ giúp đỡ Bệnh viện Nhi Trung ương hoàn thành các thủ tục cần thiết trước ngày khởi công. Thời gian thực hiện dự án như dự kiến ban đầu là 7-8 năm có thể được rút ngắn một nửa. Mong sao sẽ có thêm nhiều bệnh viện trên toàn quốc nhận được tin vui như Bệnh viện Nhi Trung ương

Thanh Loan
.
.
.