Tăng giá dịch vụ y tế sẽ nâng chất lượng khám, chữa bệnh
- Tăng viện phí - người có thẻ bảo hiểm y tế được lợi nhất
- Dự thảo tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo
Ông NNL: Giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) hiện mới tính 3/7 khoản chi phí trực tiếp. Vì thế, theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định giá dịch vụ thanh toán BHYT, trong đó sẽ tính thêm tiền lương và phụ cấp.
Lâu nay, hàng năm, Nhà nước vẫn cấp ngân sách cho các BV hoạt động, nhưng làm tốt hay kém vẫn được cấp kinh phí, nên hoạt động không hiệu quả, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Để bảo đảm công bằng trong KCB, thì BHYT là giải pháp toàn diện nhất, vì là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội. Giải pháp đưa ra là số tiền Nhà nước cấp cho các BV sẽ dùng hỗ trợ mua BHYT cho người dân, với mục tiêu BHYT toàn dân. Việc tính tiền lương, phụ cấp, vào giá dịch vụ KCB BHYT chính là thực hiện lộ trình này.
Hiện Nhà nước vừa phải cấp ngân sách cho các BV, vừa phải hỗ trợ mua BHYT cho người dân nên rất khó khăn. Chính phủ không thể mua BHYT cho cả 90 triệu dân mà trước mắt, hỗ trợ mua BHYT cho người dân theo các mức: 100% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em vv…; 70% với người cận nghèo và 30% với người thu nhập trung bình.
Ông Nguyễn Nam Liên. |
+ Giá DVYT tăng ai được lợi nhiều nhất, thưa ông?
Ông NNL: Giá DVYT tăng và vấn đề quan trọng là ai trả tiền? Trước, Nhà nước trả cho người dân thông qua việc bao cấp cho BV, còn nay, do BHYT trả tiền. Khoảng 23,7 triệu người nghèo, đối tượng chính sách có thẻ BHYT được lợi, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% (trước là 95%), không phải trả thêm các chi phí trước đây chưa kết cấu vào giá.
Với người cận nghèo thì được ngân sách hỗ trợ 70% để mua BHYT và hiện 40% đã có thẻ BHYT. Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn và Bộ Y tế cũng huy động một số dự án ODA, để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, nhằm đạt 100% số người cận nghèo có BHYT. Khi đi KCB, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, (trước là 80%) nên mức độ tác động không nhiều.
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng, nhưng mức độ không nhiều. Vì khi giá chưa tính đủ, người đồng chi trả BHYT phải trả 2 khoản: ngoài 20% BHYT, còn phải trả thêm một số vật tư, như kim tiêm, găng tay... chưa được kết cấu vào giá. Còn khi tăng giá DVYT, BHYT sẽ chi trả toàn bộ, nên chi phí của người dân sẽ thấp hơn trước và quan trọng là, người dân không bị phiền hà khi phải tự đi mua vật tư còn thiếu khi vào BV.
Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Khi giá tính đủ chi phí, Nhà nước không cấp kinh phí hoạt động (trừ một số BV đặc thù như phong, tâm thần, BV miền núi, vùng sâu, vùng xa...), các BV sẽ phải tự thu-chi, nên phải nâng cao chất lượng, có bệnh nhân thì mới có kinh phí hoạt động và phát triển được.
Khi giá DVYT như nhau, BV công sẽ phải cạnh tranh với BV tư vì BV tốt mới được BHYT ký hợp đồng. Người dân sẽ có nhiều lựa chọn khi đi KCB. Giá tính đủ cũng khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này tại địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Do đó, giá DVYT càng tăng, người dân càng được lợi. Nhưng trước mắt, Thông tư này chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT. Còn người không có thẻ BHYT sẽ được áp dụng mức giá đang thực hiện.
Tăng giá dịch vụ y tế sẽ nâng chất lượng khám, chữa bệnh. |
+ Số người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi khi giá DVYT tăng, nhưng khoảng 24 triệu người chưa có BHYT sẽ gặp khó khăn, nhất là khi việc thực hiện giá cũ không thể kéo dài mãi. Liên bộ đã tính tới vấn đề này?
Ông NNL: Y tế là dịch vụ công, quan điểm của Nhà nước là giá dịch vụ công phải tính đủ chi phí. Còn đối tượng nào cần phải hỗ trợ thì Nhà nước sẽ hỗ trợ và những đối tượng còn lại phải chi trả đủ. Khi điều chỉnh giá, người không có thẻ BHYT là ảnh hưởng nhất, hiện là khoảng 25% dân số, ước 24 triệu người chưa có thẻ thì nên mua thẻ BHYT. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT, như tham gia theo hộ gia đình: người thứ nhất 100%, người thứ 2 giảm còn 70%, người thứ 3 còn 60%, người thứ 4 còn 50%, từ người thứ 5 trở đi chỉ phải đóng 40%.
+ Điều người dân băn khoăn nhất hiện nay là, giá DVYT tăng nhưng chất lượng KCB ra sao, nhất là khi chất lượng hiện còn chưa đáp ứng yêu cầu?
Ông NNL: Chất lượng dịch vụ gồm chất lượng chuyên môn kỹ thuật y tế và chất lượng chăm sóc. Về chất lượng chuyên môn y tế, tôi khẳng định thời gian qua tăng lên rất nhiều. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng quy trình chuyên môn... để tiếp tục nâng cao trình độ cho BV các tuyến. Còn chất lượng phục vụ, chăm sóc mà người dân phàn nàn là chờ đợi khám bệnh, xét nghiệm, chiếu, chụp, buồng bệnh, tinh thần thái độ… thì khi tính đủ giá, sẽ thay đổi.
Vì BV có thể vay vốn, huy động vốn để mua trang thiết bị; có kinh phí để tuyển nhân lực tốt phục vụ; đặc biệt, cán bộ y tế hiểu Nhà nước không cấp ngân sách mà BV phải thu để có nguồn trả lương, nên phải có bệnh nhân, do đó phải nâng cao chất lượng phục vụ. Bộ Y tế đang phát động phong trào đổi mới phong cách phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm nên tôi tin rằng chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao.
+ Cám ơn ông!