Dự Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia: Bảo đảm lợi ích và sức khỏe người dân
- Có nên cấm bán rượu, bia trên internet?
- (Sốc) Tỷ lệ uống rượu bia ở nam giới Việt là 44,2%
- "Cường quốc rượu bia" và nỗi ám ảnh tai nạn giao thông3
- Chế tài nào xử lý lái xe sử dụng rượu bia đủ sức răn đe?
- Cán bộ, công chức phải nêu gương không lái xe khi đã uống rượu bia
TS. Nguyễn Huy Quang –Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự luật Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự là sự “giằng xé” giữa lợi ích về sức khỏe người dân, hệ lụy xã hội với lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp rượu bia. Vì thế đã có những ý kiến trái chiều để bảo vệ những lợi ích khác nhau. Đa số ý kiến ủng hộ dự luật vì cho rằng đáp ứng các qui định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sẽ góp phần giảm tác động của rượu bia với sức khỏe người dân.
TS. Nguyễn Huy Quang –Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) |
Phân tích các nội dung của dự luật nhìn từ khuyến cáo của WHO và pháp luật của một số quốc gia tham gia CPTPP và WTO, TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, còn nhiều khoảng trống mà dự Luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà tổ chức y tế thế giới khuyến cáo: Kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; Kiểm soát marketing rượu, bia; Chính sách thuế và giá. Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến khao của WHO đến 2025.
Sau khi dẫn ra các minh chứng về việc kiểm soát rượu bia tại nhiều nước, ông Tiên khuyến nghị kiểm soát rượu bia hiệu quả tại Việt Nam là cần xây dựng và thực thi đồng bộ chính sách kiểm soát sự sẵn có của rượu bia: giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ; tăng thuế, tăng giá rượu bia; kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia. “Các quy định về kiểm soát rượu bia hoàn toàn phù hợp với CPTPP và WTO” – Ông Tiên nhấn mạnh.
Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, nếu dự thảo Luật được áp dụng, Nhà nước sẽ tăng cường được hiệu quả quản lý, bảo đảm sức khỏe người dân, ANTT, góp phần phát triển đất nước. Việc kiểm soát hiệu quả rượu, bia, nhất là rượu thủ công, giúp Nhà nước quản lý được chất lượng rượu, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nhiều chuyên gia kinh tế -xã hội tham gia hội thảo |
“Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì mỗi đô la đầu tư cho các giải pháp PCTHRB, Nhà nước sẽ thu về 9,13 đô la. Vì thế, với việc ban hành Luật, Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí giải quyết các hậu quả của rượu, bia để đầu tư các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, nâng cao sức khỏe … góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng như ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, béo phì, tai nạn giao thông… góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng. Người dân sẽ được hưởng các lợi ích vượt trội về sức khỏe và an sinh xã hội”- Bà Trang nhấn mạnh.
Đồng tình với dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, PGS.TS. Phạm Việt Cường (Trường Đại học Y tế công cộng) đã đưa ra các kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy đang có sự trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia. Điều này gây nên những hậu quả to lớn do ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ. Nhất là não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ tổn thương do rượu bia. Tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
“Luật này cần sớm ra đời, là cơ sở từng bước hạn chế tình trạng trẻ hóa sử dụng rượu bia và các hậu quả liên quan; là yếu tố góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết của quốc gia là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em” - PGS.TS. Phạm Việt Cường bày tỏ.